Giáo viên, học sinh chọn phương án nào cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025?

13/09/2023 10:35 GMT+7

Không ít giáo viên và học sinh chọn phương án thi 5 môn, thay vì 6 môn sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra 2 lựa chọn để lấy ý kiến lãnh đạo sở GD-ĐT các địa phương tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 vào tháng 8 vừa qua.

Trong dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD-ĐT đưa ra để lấy ý kiến xã hội (từ ngày 17.3 đến 17.5.2023), Bộ GD-ĐT đề xuất tổ chức thi theo môn.

Dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có ghi rõ: Tổ chức thi theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); ngữ văn, toán, lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Theo đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học; thí sinh học chương trình chương trình GDTX cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học. 

Giáo viên, học sinh chọn phương án nào cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025? - Ảnh 1.

Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

ĐÀO NGỌC THẠCH

Sau khi dự thảo đưa ra, có nhiều ý kiến trái chiều. Vì vậy, Bộ GD-ĐT tiếp tục lấy ý kiến, trong đó có nhà trường, giáo viên.

Cụ thể, Bộ GD-ĐT đưa 2 phương án: 

  • Phương án 1: 6 môn thi, trong đó 4 môn bắt buộc (toán - ngữ văn - lịch sử - ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn (trong số các môn học sinh chọn học ở lớp 12). 
  • Phương án 2: 5 môn, trong đó toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học (trong đó có cả môn lịch sử). Học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên không thi môn ngoại ngữ. 

Các ngày vừa qua, thăm dò ý kiến của nhiều giáo viên và khảo sát học sinh THPT (lớp 10 và 11), chúng tôi thấy đa số chọn phương án 2. 

Lý do nhiều học sinh chọn phương án 2

Khảo sát học sinh một số 11 của Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, kết quả thu được là có hơn 95% lựa chọn phương án 2. Có lớp (tổng số 51 học sinh) chỉ có 2 học sinh chọn phương án 1, còn lại tất cả chọn phương án 2.

Lý do học sinh chọn phương án 2 là dù môn sử trở thành môn học bắt buộc, nhưng thực tế không nhiều học sinh có xu hướng chọn tổ hợp môn này để xét tuyển ĐH và định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Chỉ những em yêu thích môn sử thật sự, có thiên hướng chọn nghề theo lĩnh vực xã hội, xét tuyển tổ hợp có môn sử thì mới đồng ý với phương án 1. 

Một học sinh nam lớp 11 (lựa chọn phương án 1) cho biết: "Em chọn phương án thi có bắt buộc môn sử vì sang năm em dự định thi vào Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM. Chọn môn sử em có lợi thế hơn để ôn tập". 

Nhiều học sinh cho rằng phương án thi 6 môn sẽ nặng hơn thi 5 môn, các em sẽ phải nhọc công ôn tập nhiều hơn. Trong khi đó, với kiến thức môn sử, sau khi học xong THPT với tính cách môn bắt buộc, kiến thức các em thu nhận được đã khá đầy đủ cho nên không cần thi tốt nghiệp. "Điểm thi tốt nghiệp môn lịch sử không cần thiết khi xét tuyển đại học sau này theo các tổ hợp em chọn lựa", một nữ sinh lớp 10 cho biết.

Giáo viên, học sinh chọn phương án nào cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025? - Ảnh 2.

Thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2023

ĐÀO NGỌC THẠCH

Vì sao giáo viên chọn phương án 2?

Với giáo viên, lý do nhiều thầy cô lựa chọn phương án 2 là vì phương án này gọn nhẹ với học sinh, cân đối giữa các môn học. 

Thầy V.H.Trung, giáo viên dạy toán Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM), nêu lý do khá đơn giản: "Tôi chọn phương án 2 vì thấy đơn giản, nhẹ nhàng cho học sinh". Với 3 môn thi bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) thì sự hài hòa giữa môn học khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sẽ cân đối hơn, đem đến sự công bằng nhiều hơn cho học sinh. Còn  thầy N.H.T, giáo viên dạy vật lý Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM, nêu quan điểm: "Thêm môn lịch sử bắt buộc thi sẽ là lợi thế cho những học sinh chọn tổ hợp có môn này, như vậy sẽ thiệt cho học sinh phần còn lại".

Mặt khác, theo nhiều người, với 3 môn bắt buộc của phương án 2, thí sinh tự chọn thêm 2 môn còn lại để thi, sẽ rất tiện lợi cho học sinh có nguyện vọng xét tuyển vào tổ hợp mình muốn. Các trường ĐH thuận lợi hơn trong việc tuyển sinh, nếu lấy điểm thi tốt nghiệp THPT làm cơ sở xét tuyển.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.