Để thành công ngay từ công việc đầu tiên

08/08/2018 08:36 GMT+7

Đa phần người trẻ muốn ổn định được cuộc sống phải trải qua rất nhiều lần 'nhảy' việc. Vậy làm thế nào để có thể thành công ngay từ công việc đầu tiên?

Tại buổi tọa đàm vào tối 4.8 với chủ đề “Bí mật thành công ngay từ công việc đầu tiên” diễn ra tại Trung tâm sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM), anh Lê Đình Hiếu (tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH California, Los Angeles UCLA; Forbes Under 30 năm 2016) đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.
“Bệnh thiếu tư duy phản biện”
Mở đầu buổi trò chuyện, anh Hiếu cho rằng câu chuyện chung của đại đa số người trẻ gặp phải trong ngày đầu tiên, tuần đầu tiên thậm chí tháng đầu tiên đi làm là thường hoang mang, không biết mình phải làm gì đầu tiên, phải bắt đầu như thế nào…

“Nhưng hầu như mẫu số chung của các bạn đều là câu hỏi “làm gì?” chứ chưa bao giờ các bạn đặt câu hỏi “tại sao?”. Người trẻ chúng ta hiện nay mắc phải chứng bệnh thiếu tư duy phản biện. Khi được giao công việc, cứ cắm cúi làm và luôn suy nghĩ là mình phải làm sao để hoàn thành công việc này nhanh nhất, tốt nhất, chứ chưa bao giờ đặt câu hỏi tại sao chúng ta lại phải làm việc này?”, anh Hiếu nhấn mạnh.
Theo anh Hiếu, khi biết được lý do tại sao lại phải làm việc này, thì bạn sẽ cảm thấy công việc làm của mình có ý nghĩa hơn, có mục đích và hạnh phúc hơn. Chứ không phải làm một công việc mà trong đầu cứ có cảm giác mình đang làm một việc vô bổ và sáo rỗng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy phản biện, anh Hiếu cho rằng tìm được công việc không khó nhưng trụ được với công việc đó hay không lại là câu chuyện khác. Người ta sẽ loại thải nếu bạn không đủ tư duy… Và tư duy phản biện là gốc rễ để hình thành những kỹ năng khác.
Quản lý cuộc đời mình như quản lý dự án
Lê Thị Bích Cẩm, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, hỏi: “Nếu như em đi làm, sếp nhỏ giao cho em một công việc quan trọng nhưng không gấp và em hứa sẽ hoàn thành trong hôm nay. Sau đó sếp lớn giao cho em công việc rất gấp nhưng lại không quan trọng và cũng phải hoàn thành trong hôm nay. Nếu lúc đó nhận hết thì không làm xong nhưng nếu không nhận thì cũng không được, vậy phải làm thế nào?”.

Về vấn đề này, anh Hiếu khuyên một ngày nếu có 8 tiếng làm việc thì luôn dành ra một khoảng thời gian để giải quyết những công việc rất gấp, chứ đừng bao giờ nhận công việc “full” hết thời gian. Nên nhớ, trong công việc lúc nào cũng sẽ có những việc gấp xảy ra mà nếu không có thời gian, sẽ trở tay không kịp. Bên cạnh đó, phải dành một khoảng thời gian cố định để giải quyết những việc quan trọng nhưng không gấp. Đây là kỹ năng cực kỳ quan trọng. Chẳng hạn như việc đọc sách, luôn quan trọng nhưng không gấp, chính vì thế các bạn có tư tưởng hôm nay không đọc thì mai đọc. Và rồi cứ lặp đi lặp lại như thế thì chẳng bao giờ bạn đọc được một cuốn sách. Đừng bao giờ để những việc quan trọng nhưng không gấp lại trở thành những việc vừa rất quan trọng lại rất gấp. Đến lúc đó, bạn không còn đủ thời gian để giải quyết công việc đó tốt nhất và hiệu quả nhất.
“Bạn phải quản lý cuộc đời của chính mình như quản lý một dự án. Hãy quản lý thời gian, chi phí, năng lực, kỹ năng… của chính mình. Phải biết mình có được những năng lực gì, đam mê cái gì, khả năng của mình ở đâu, mình là ai… Khi quản lý được chính mình thì công việc mới thành công được”, anh Hiếu đặc biệt nhấn mạnh.
“Các bạn ra trường, vào một công ty lớn không nhất thiết phải nghĩ ra liền một ý tưởng, một sáng kiến lớn mà hãy làm những công việc được giao dù là bình thường nhưng giải quyết nó một cách phi thường nhất. Rồi từ từ, sếp sẽ tin tưởng và giao những công việc khó hơn để bạn có thể làm được những điều vĩ đại hơn. Chính vì thế, để trở thành người phi thường thì hãy làm những điều bình thường một cách phi thường”, anh Hiếu khuyên.
Anh Hiếu cũng cho rằng: “Mới bắt đầu nhận việc, bạn nên hỏi “làm gì?” sau đó là “tại sao mình phải làm công việc này?” để tìm được giá trị công việc mà mình đang làm cũng như tìm cách tốt nhất để giải quyết. Sau khi đã biết được “làm gì?” và “tại sao?”, thì có những việc tưởng chừng vớ vẩn hay quá nhỏ nhặt, nhưng đừng bao giờ từ chối hay cảm thấy chán nản. Chỉ khi làm tốt những điều nhỏ một cách phi thường thì bạn mới làm được những điều vĩ đại khác tiếp theo”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.