(TNO) Bộ Giáo dục Nhật Bản vừa tiết lộ đề cương hệ thống đề thi đại học mới sẽ gồm các câu hỏi đánh giá khả năng suy luận của thí sinh.
Các thí sinh dự kỳ thi đại học tại Trường đại học Tokyo năm 2014 - Ảnh: Chụp từ webstie của The Japan Times
|
Dự kiến, hệ thống mới nói trên sẽ thay thế hệ thống đề thi hiện nay từ khóa 2020 (bắt đầu từ tháng 4.2020 đến 31.3.2021), theo hãng tin Jiji Press.
Nhằm kiểm tra khả năng suy luận và biểu đạt của thí sinh, đề thi mới sẽ có các câu hỏi dùng những câu dài và đòi hỏi thí sinh phải viết ra phần trả lời đầy đủ, thay vì đánh dấu câu trả lời cho bài thi trắc nghiệm như hiện nay.
Với giả định hệ thống đề thi mới sẽ được các trường dùng cho đợt thi lần thứ nhất, Bộ Giáo dục Nhật Bản có kế hoạch đưa các câu hỏi khó vào hệ thống đề thi mới để những trường đại học hàng đầu ở nước này có thể sử dụng. Đề thi mới bao gồm các câu hỏi liên quan đến kiến thức khoa học, toán học và những câu hỏi kết hợp lịch sử Nhật và thế giới nhằm kiểm tra sự hiểu biết lịch sử toàn diện của thí sinh.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng có kế hoạch tổ chức kỳ thi đánh giá kết quả học tập toàn quốc cho học sinh 2 năm cuối của bậc trung học phổ thông từ khóa 2019 (bắt đầu từ tháng 4.2019). Kỳ thi này trước mắt sẽ có 3 môn: tiếng Nhật, toán và tiếng Anh. Hai môn nghiên cứu xã hội và khoa học sẽ được bổ sung từ khóa 2023, khi các hướng dẫn giảng dạy mới được ban hành.
Cả kỳ thi vào đại học lẫn kỳ thi đánh giá kết quả học tập của học sinh trung học sẽ diễn ra nhiều lần trong một năm.
Hiện nay, kỳ thi đại học ở Nhật diễn ra 2 ngày đầu tháng 1 với 5 môn: tiếng Nhật, toán, khoa học xã hội (lịch sử, địa lý…), ngoại ngữ (Anh, Pháp, Đức, Hoa và Hàn) và khoa học tự nhiên (sinh, vật lý, hóa học). Sau đó các thí sinh dùng kết quả của kỳ thi này cùng kết quả học tập phổ thông nộp đơn xin dự kỳ kiểm tra riêng của các trường đại học.
Tổng số điểm của kỳ thi đại học rất quan trọng vì nhiều trường đưa ra điểm sàn để nhận thí sinh dự kỳ kiểm tra riêng, diễn ra vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3. Tham gia kỳ kiểm tra này, thí sinh không phải làm bài thi trắc nghiệm như thi đợt một mà sẽ viết bài luận và được phỏng vấn. Các trường sẽ dựa vào tổng số điểm của hai đợt thi để quyết định nhận thí sinh hay không.
Báo The Japan Times dẫn lời một số chuyên gia nhận định rằng thi đại học ở Nhật ngày càng trở nên dễ hơn vì nhiều trường cần tuyển đủ sinh viên để duy trì hoạt động. Nếu sinh viên sẵn sàng học ở những trường không phải là lựa chọn hàng đầu của họ, giới chuyên gia cho rằng sẽ có đủ chỗ cho tất cả thí sinh muốn nộp đơn. Tuy nhiên, sự cạnh tranh vào các đại học danh tiếng ở Nhật vẫn hết sức căng thẳng và gay gắt.
Bình luận (0)