Đề thi khoa học xã hội yêu cầu suy luận nhiều hơn

28/06/2018 08:00 GMT+7

Với bài thi khoa học xã hội, các thí sinh (TS) đều cho rằng để tìm ra đáp án cho câu hỏi trắc nghiệm, cần phải có sự vận dụng, tư duy, phán đoán.

Nhận xét từng môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp này, TS Bảo Long, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM), nói rằng yêu cầu không cao nhưng nếu chỉ học thuộc lòng thì khó tìm ra đáp án đúng cho các câu hỏi lịch sử. Các tình huống xuất hiện trong câu hỏi môn giáo dục công dân cũng tương tự như vậy.
Nguyễn Thanh Tân, TS tại điểm thi Trường THCS Mỹ Phước, TX.Bến Cát (tỉnh Bình Dương), cho biết: “Các môn khoa học xã hội tương đối dễ nên em làm bài được hết”. Nguyễn Hải Long, học sinh Trường THPT Tây Nam, nhẩm tính: “Môn sử em làm được 7 điểm, còn môn địa 7,5 điểm và môn giáo dục công dân ít nhất cũng được 7,5 điểm”.
Về đề thi môn địa lý, giáo viên Vũ Thị Bắc, Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận xét mức độ khó của đề cũng được thể hiện rõ để đảm bảo 2 mục tiêu của kỳ thi với khoảng 24 câu hỏi ở mức độ cơ bản, các câu khó tăng dần và đặc biệt các câu cuối có độ khó hơn hẳn.
Với đề thi môn lịch sử, giáo viên Phạm Thị Hoài Thương, Tổ trưởng Tổ lịch sử Trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho hay khoảng 20 câu đầu tiên là câu hỏi cơ bản, dành cho HS trung bình với việc nắm chắc kiến thức cơ bản có thể xử lý tốt. Sau đó là các câu hỏi có sự tăng lên và độ khó, yêu cầu HS phải có sự tổng hợp kiến thức để giải quyết.
Còn giáo viên Vũ Thùy Anh, Tổ trưởng Tổ Giáo dục công dân Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), nói rằng nếu so với đề năm 2017, đề thi năm nay hay hơn, có nhiều câu hỏi liên quan đến tình huống thực tiễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.