Năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, TP.HCM phải sử dụng hình thức xét tuyển khi tuyển sinh lớp 10 thì năm 2022, việc tuyển sinh của lớp đầu cấp bậc THPT sẽ quay trở lại bằng hình thức thi tuyển.
Vừa học mới vừa ôn cũ
Khoảng 100.000 học sinh (HS) lớp 9 dự kiến sẽ đăng ký nguyện vọng vào lớp 10, trong khi theo định hướng phân luồng HS sau THCS, chỉ tiêu tuyển sinh của hơn 100 trường THPT công lập đáp ứng khoảng 70%. Thế nhưng, ở năm học cuối cấp này, HS lớp 9 phải ngừng đến trường và học trực tuyến gần hết học kỳ 1. Vậy nên việc chuẩn bị kiến thức để trúng tuyển lớp 10 đúng trường THPT mà mình mong muốn là điều cả trăm ngàn học sinh, phụ huynh lo lắng. Chính vì thế, các trường THCS, các giáo viên lớp 9 đã phải xây dựng kế hoạch vừa dạy kiến thức mới vừa củng cố kiến thức trong thời gian học trực tuyến và chuẩn bị nền tảng theo định hướng của đề thi tuyển sinh lớp 10.
Học sinh lớp 9 năm nay có thời gian học trực tuyến kéo dài |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Bà Nguyễn Thị Hồng Châu, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Tạo (Q.Bình Tân), cho hay từ nay đến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 còn khoảng 2 tháng, trong khi đó, trong chương trình không có phân phối thời gian dành cho ôn thi tuyển sinh. Đặc biệt năm học này HS học trực tuyến với thời gian dài, do vậy nhà trường phải xây dựng phương án hoàn thành chương trình theo quy định, đồng thời sắp xếp linh hoạt để chuẩn bị kiến thức cho các em.
Chính vì vậy, bà Hồng Châu cho biết đã triển khai giáo viên 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh cố gắng “gói” kiến thức cơ bản của chương trình lớp 9 và hoàn thành trước khi HS kiểm tra học kỳ 2. Đặc biệt, những kiến thức có trong định hướng thi lớp 10, HS phải được học trực tiếp. Ngoài ra, ngay sau khi kiểm tra học kỳ 2, giáo viên kịp thời ôn tập, bù đắp kiến thức còn hổng giúp các em tích lũy kiến thức tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi.
Tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), cũng xây dựng chiến lược vừa học kiến thức mới, vừa ôn tập kiến thức cũ, bám sát định hướng cấu trúc đề tuyển sinh. Khi sắp xếp thời khóa biểu, ban giám hiệu chú ý tăng thêm tiết ở 3 môn thi. Ngoài thời gian học trực tiếp, giáo viên bộ môn kết hợp ôn tập cho học trò trên nền tảng học trực tuyến.
Rèn kỹ năng, tập giải đề
Giáo viên Võ Kim Bảo, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho hay giáo viên lớp 9 sẽ vừa dạy bài mới trong chương trình vừa kết hợp ôn tập, củng cố kiến thức đã học trực tuyến để các em không hổng bất cứ nội dung cơ bản nào. Đặc biệt còn phải lưu ý rèn kỹ năng làm bài, trong đó, với môn ngữ văn, thầy Kim Bảo cho biết sẽ hướng dẫn HS thử làm các dạng đề khác nhau để trau dồi kỹ năng, khả năng tư duy, nhất là khả năng đọc hiểu…
Cấu trúc đề thi môn ngữ văn bao gồm 3 phần: đọc hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học. Ông Trần Tiến Thành, chuyên viên phụ trách môn ngữ văn Sở GD-ĐT TP.HCM, hướng dẫn: HS lựa chọn các văn bản thông tin, nghị luận, khoa học… có nội dung phù hợp với lứa tuổi, gắn với tình hình thời sự để luyện tập các kỹ năng như nhận biết nội dung đề tài, giải mã các từ khó, hình ảnh ẩn dụ; tìm các vấn đề tiếng Việt có trong văn bản; tập tóm tắt văn bản, nối kết văn bản đang đọc với văn bản khác liên quan, nối kết với thực tế cuộc sống.
Ở câu nghị luận xã hội thì cần rèn luyện các thao tác lập luận, đặc biệt là lập luận giải thích, chứng minh, bình luận. Còn muốn làm tốt câu nghị luận văn học thì trong quá trình ôn tập, HS cần đọc lại các bài đã học, đọc thêm các sách tham khảo, các tác phẩm văn học phù hợp lứa tuổi.
Đặc biệt, với tất cả các môn thi, ông Trần Tiến Thành đưa ra lời khuyên: “HS không nên học theo kiểu đoán đề hoặc lựa chọn các đề bài quá khó để giải. Hãy rèn luyện các kỹ năng và tích lũy kiến thức trước. Sau khi đã nhuần nhuyễn kỹ năng, nắm chắc kiến thức hãy bắt tay vào giải các đề bài phù hợp. Các em nên tham khảo và thử giải đề tuyển sinh lớp 10 trong 3 năm gần đây để rèn kỹ năng”.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin định hướng đề thi năm nay sẽ có thay đổi để phù hợp với điều kiện HS phải học trực tuyến kéo dài. Tuy vậy, cấu trúc đề vẫn mang tính ổn định, đảm bảo không tạo ra sự xáo trộn trong quá trình ôn tập, giảng dạy của HS và giáo viên. Kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 70% đến 80%. Đương nhiên đề thi vẫn đảm bảo nguyên tắc phân hóa thể hiện qua những câu hỏi có tính vận dụng cao với khoảng 10%.
Bình luận (0)