Ở môn thi đầu tiên, đa số TS, sau khi kết thúc thời gian làm bài đều nhận định đề thi văn nhẹ nhàng, không nặng về kiến thức, thiên về cảm nhận. Thời gian làm bài có phần thoải mái hơn so với khối lượng kiến thức đề yêu cầu, nên các TS đều hoàn tất bài làm sớm.
Theo các giáo viên ngữ văn tại Đà Nẵng, với đề thi này, điểm thi sẽ trên trung bình nhiều, nhưng khó đạt điểm tuyệt đối như đợt 1. Bởi sự liên tưởng để cảm nhận đối với “không gian” Việt Bắc ở bài thơ của Tố Hữu là “dữ liệu lịch sử” khá xa đối với các học sinh ở thời điểm hiện tại. Đòi hỏi các em phải có kiến thức văn học sử tốt.
Nhận định chung về đề thi môn toán, các TS đều cho rằng tương đương như đề đợt 1. Nhiều TS tự tin cho biết làm được hơn 75% và tin sẽ được từ 7 - 8 điểm.
Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết: Môn thi ngữ văn, Đà Nẵng có 9/10.711 TS vắng thi, môn toán có 87 TS vắng thi trên tổng số 10.952 TS đăng ký dự thi môn này. Cũng theo ông Thành, ghi nhận ngày thi đầu tiên không xảy ra sự cố về đề thi, không có cán bộ coi thi và TS vi phạm quy chế thi. Tuy nhiên, có 1 TS có vấn đề về sức khỏe (không liên quan đến sốt, ho, khó thở), được đưa đến cơ sở y tế cấp cứu, nên đã không thể tiếp tục tham gia dự thi.
Tại Quảng Nam, hơn 9.200 TS ở 6 huyện, thị xã, TP gồm: TP.Hội An, TX.Điện Bàn, H.Đại Lộc, H.Duy Xuyên, H.Quế Sơn và H.Thăng Bình đã hoàn thành bài thi môn ngữ văn và môn toán. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Quảng Nam đã bố trí một điểm thi khá “đặc biệt” tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ), dành cho các TS học ở Đà Nẵng nhưng có hộ khẩu tại Quảng Nam và các TS đợt 1 không thi được do ở tại các địa phương giãn cách hoặc cách ly.
Trong ngày 3.9, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), đã có buổi kiểm tra công tác thi tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Ông Trinh cũng đánh giá cao Đà Nẵng đã nỗ lực rất lớn khi tiến hành xét nghiệm cho tất cả TS, các cán bộ giáo viên tham gia kỳ thi với tổng số gần 13.000 người.
Ông Trinh cũng thông tin ngoài việc điểm thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì hầu hết trường ĐH đều sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Do đó, Bộ GD-ĐT đã cố gắng xây dựng đề thi đợt 2 có độ khó tương đương đợt 1. “Sau ngày 16.9, khi công bố kết quả thi đợt 2, lúc đó công tác tuyển sinh ĐH, CĐ mới được tiến hành đồng loạt trên cả nước; bảo đảm quyền lợi chính đáng giữa TS thi đợt 1 và đợt 2”, ông Trinh nhấn mạnh.
Bình luận (0)