Đề thi tốt nghiệp THPT phân hóa tốt: Căn cứ để trường ĐH sử dụng xét tuyển

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
(thực hiện)
04/09/2024 06:15 GMT+7

Liên quan đến một số thay đổi lớn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng nếu đề thi có sự phân hóa tốt hơn, kỳ thi đủ độ tin cậy hơn thì các trường ĐH sẽ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT như một phương thức có tỷ trọng chỉ tiêu lớn để tuyển sinh.

Đề thi tốt nghiệp THPT phân hóa tốt: Căn cứ để trường ĐH sử dụng xét tuyển- Ảnh 1.

PGS-TS Nguyễn Đức Sơn

ẢNH: THANH HÙNG

ĐÁNH GIÁ NGƯỜI HỌC CẦN CẢ QUÁ TRÌNH

Thưa ông, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ tăng tỷ lệ sử dụng kết quả học bạ lớp 10, 11, 12 lên 50% để xét tốt nghiệp THPT. Dư luận băn khoăn liệu cách làm này có khiến việc chấn chỉnh tình trạng "làm đẹp" học bạ trở nên khó khăn hơn?

Đối với mục tiêu xét tốt nghiệp tôi thấy cũng phù hợp về mặt khoa học, bởi toàn bộ quá trình học THPT là 3 năm thì sự nỗ lực của học sinh (HS) trong cả quá trình ấy rất cần được tính đến. Nếu chúng ta đảm bảo độ tin cậy khi đánh giá quá trình thì nó sẽ cung cấp dữ liệu tin cậy hơn rất nhiều so với việc chỉ dựa vào kết quả đánh giá tại một thời điểm.

Để giáo dục HS thì nên tập trung vào cả quá trình nhiều hơn là tập trung vào một đợt thi cử. Quá trình lâu dài mới rèn luyện được tư duy, tính cách, phẩm chất của người học. Do vậy, việc xét tốt nghiệp THPT bằng kết quả học bạ của 3 năm học THPT cộng với điểm học bạ thì tôi cho rằng là hợp lý và khoa học. Việc tăng từ 30% lên 50% tôi cho rằng không gây ảnh hưởng lớn mà chỉ củng cố cho chủ trương mà tôi vừa nói, đó là đánh giá người học cần cả quá trình chứ không chỉ một kỳ thi. Nhìn nhận tích cực như vậy thì thấy rằng cách làm này sẽ giúp thúc đẩy sự rèn luyện thường xuyên của học trò nhiều hơn, tránh bớt tâm lý chỉ học những gì để đi thi.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá cả quá trình. Vậy theo ông, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có tạo cho ông niềm tin về việc đánh giá người học khách quan hơn, bớt sự chủ quan, cảm tính của cá nhân mỗi giáo viên hoặc nhà trường?

Tôi cho rằng bản thân những yêu cầu cần đạt của chương trình rõ ràng hơn cũng góp phần làm bớt những sai lệch trong kiểm tra, đánh giá. Đội ngũ giáo viên rất lớn, năng lực chưa đồng đều và nếu những yêu cầu của chương trình không cụ thể, không có những dấu mốc cụ thể thì việc đánh giá khó đồng nhất. Chương trình 2018 nêu các yêu cầu cần đạt tương đối cụ thể, dùng nhiều bộ sách giáo khoa nên việc đánh giá sẽ phải bám sát vào yêu cầu cần đạt chương trình. Đó là căn cứ tốt để giảm bớt sự chênh lệch trong đánh giá.

Đề thi tốt nghiệp THPT phân hóa tốt: Căn cứ để trường ĐH sử dụng xét tuyển- Ảnh 2.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024

ẢNH: NHẬT THỊNH

Quan trọng nhất, theo tôi là việc sử dụng kết quả học bạ để xét tốt nghiệp THPT nên mục tiêu ấy không có tính cạnh tranh, phân loại như xét tuyển ĐH, vì vậy cũng không nhiều động cơ cho một số cá nhân nào đó tìm mọi cách gian lận, tiêu cực để "làm đẹp" học bạ.

MỘT PHƯƠNG THỨC CÓ TỶ TRỌNG CHỈ TIÊU LỚN

Vậy theo ông, nếu đề thi phân loại tốt hơn, trường ĐH có sử dụng để tuyển sinh?

Đề thi nếu tăng mức độ phân hóa, tăng thêm được thời lượng, nội dung cho độ phân hóa HS. Độ phân hóa tốt hơn cũng là căn cứ để các trường ĐH có thể dùng kết quả xét tuyển. Lập luận ấy cũng có lý. Tất nhiên, độ phân hóa trong đề thi đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ, ban đề thi có tuân thủ cấu trúc đề, các mức độ khó của các nội dung, có nhiều khoảng để tăng sự phân hóa hơn là độ phân hóa hẹp hay không…

Với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì hiện nay vẫn dành chỉ tiêu tuyển sinh từ kết quả thi tốt nghiệp THPT khá cao, tùy từng ngành nhưng có nhiều ngành lên đến 60 - 70%. Do vậy, nếu đề thi có sự phân hóa tốt hơn, đủ độ tin cậy hơn thì tôi tin là các trường ĐH sẽ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT như một phương thức có tỷ trọng chỉ tiêu lớn để tuyển sinh. Thực tế, để tự tuyển sinh hay dùng các nguồn thông tin khác để tuyển sinh cũng bộc lộ những hạn chế, không đảm bảo được một thang đánh giá chung về chất lượng đầu vào. Điểm thi, thang đánh giá ấy tốt thì tự các trường sẽ lựa chọn là phương thức tuyển sinh của mình.

Nhưng đề thi phân hóa tốt hơn mà khâu tổ chức coi thi, chấm thi không tốt thì cũng không thể có một kết quả đáng tin cậy. Nếu các trường ĐH tăng cường sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, ông có đề xuất gì để tránh những sai phạm đã từng xảy ra ở khâu chấm thi năm 2018, thưa ông?

Tất nhiên, đề thi phân hóa tốt cũng chỉ là một trong những yếu tố, để tạo nên kết quả đáng tin cậy của kỳ thi còn phụ thuộc vào khâu tổ chức coi thi, chấm thi… Chủ trương của Chính phủ và Bộ GD-ĐT thì kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu sẽ do địa phương đảm trách. Để tránh được những sai sót, khắc phục những hạn chế thì tôi cho rằng cần phải phân tích các kinh nghiệm, bài học cũ, rà soát kỹ lưỡng hơn ở từng khâu để tránh những "kẽ hở" tạo điều kiện cho tiêu cực; đặc biệt là phải nêu rõ trách nhiệm của từng cá nhân và các bên liên quan trong kỳ thi, xử lý nghiêm khắc những sai sót… Nhiều giải pháp khác nhau, mỗi giải pháp sẽ giúp làm tốt những điểm này, hạn chế tiêu cực ở những điểm kia. Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc và làm một cách nghiêm túc thì tôi nghĩ khi giao kỳ thi cho địa phương không phải vấn đề đáng lo ngại.

Thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến diễn ra trong 3 buổi với 2 loại đề thi

Theo dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ năm 2025 mà Bộ GD-ĐT mới công bố, kỳ thi sẽ tổ chức 3 buổi thi gồm 1 buổi thi môn văn, 1 buổi thi môn toán và 1 buổi thi môn tự chọn (vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ - công nghiệp, công nghệ - nông nghiệp, ngoại ngữ). Ngoại ngữ gồm các tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật, Hàn. Thí sinh (TS) được đăng ký dự thi môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông. TS phải dự thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là ngữ văn và toán; 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại.

Trong năm 2025, Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với 2 loại đề thi. Thứ nhất, đề theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 dành cho các TS học theo chương trình này và dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Thứ hai, đề thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 dành cho TS không học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và chưa tốt nghiệp THPT dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025. TS đã tốt nghiệp THPT nhưng dự thi để xét tuyển ĐH được chọn dự thi theo một trong 2 loại đề thi trên.

Về miễn thi môn ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT, dự thảo quy định thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT được miễn thi môn ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Người có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ được quy định tại phụ lục của quy chế hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ được Bộ GD-ĐT công nhận tương đương với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN (đạt từ bậc 3 trở lên và có giá trị sử dụng đến ngày làm thủ tục dự thi) được miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, thay đổi đáng chú ý là TS có đủ điều kiện miễn thi bài thi ngoại ngữ thì sẽ không được quy đổi điểm để tính vào tổng điểm xét tốt nghiệp. Đối với trường hợp đủ điều kiện miễn thi bài thi ngoại ngữ nhưng vẫn muốn tham gia thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp thì phải sử dụng kết quả thi ngoại ngữ thực tế để tính điểm xét tốt nghiệp THPT.

Dự thảo quy chế cũng tính điểm xét tốt nghiệp THPT 50% là điểm thi của 4 môn và 50% điểm trung bình 3 năm học THPT cộng điểm ưu tiên (nếu có). Riêng với TS sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi ngoại ngữ thì chỉ tính điểm 3 môn thi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.