Đề thi tuyển sinh lớp 10 TP.HCM sẽ thay đổi thế nào?

Bích Thanh
Bích Thanh
31/03/2021 08:20 GMT+7

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021 - 2022 sẽ diễn ra vào ngày 2 - 3.6 với 2 điểm mới là thay đổi hệ số 3 bài thi và điều chỉnh số câu hỏi, thời lượng làm bài môn ngoại ngữ.

Đề thi theo hướng kiểm tra năng lực

Đề cập đến định hướng về đề thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định Sở vẫn giữ vững quan điểm ra đề thi theo hướng kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức của thí sinh (TS), yêu cầu TS phải biết cách giải quyết vấn đề của thực tiễn cuộc sống.

Nguyên tắc xác định điểm chuẩn

Căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh từng trường, số lượng đăng ký các nguyện vọng và điểm xét tuyển, Sở sẽ xét duyệt và công bố điểm chuẩn của từng trường theo nguyên tắc điểm chuẩn nguyện vọng 2 cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1 và điểm chuẩn nguyện vọng 3 cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 2 không quá 1 điểm.
Do đó, ông Hiếu nhấn mạnh các trường THCS phải đổi mới cách dạy và học theo hướng phát triển năng lực học sinh (HS). Nếu nhà trường không đổi mới, HS lớp 9 sẽ rất thiệt thòi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Đề thi của cả 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ đều có 60% câu hỏi thuộc dạng cơ bản, 40% nâng cao để phân hóa TS nhằm phục vụ cho công tác tuyển sinh.
Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, được cho theo thang điểm từ 0 đến 10, điểm lẻ đến 0,25. Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 bài thi đều có hệ số 1 và điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên. TS trúng tuyển phải dự thi đủ 3 bài thi và không có bài nào bị điểm 0.

Những yêu cầu cụ thể có trong đề thi

Riêng môn tiếng Anh, ông Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên phụ trách môn học này của Sở GD-ĐT, thông tin cụ thể đề thi năm nay tăng thời gian làm bài 90 phút thay vì 60 phút như năm trước. Số lượng câu hỏi cũng tăng lên 40 câu thay vì 36 câu như trước đây. Tuy nhiên, nội dung kiến thức vẫn nằm trong chương trình THCS, chủ yếu trong chương trình lớp 9.
Ông Trần Đình Nguyễn Lữ nói thêm: Đề thi vẫn có 2 bài đọc như thường lệ, nội dung bài đọc cũng nằm trong những chủ điểm mà HS đã học. Độ dài của bài đọc sẽ dài hơn nhằm kiểm tra năng lực đọc nhanh, hiểu đúng của TS. Những câu hỏi nhằm mục đích phân hóa TS dự kiến sẽ xuất hiện ở phần đọc - hiểu và viết lại câu. Những câu hỏi về ngữ pháp dự kiến sẽ ra theo hướng nhẹ nhàng, chiếm khoảng 1/4 trong tổng số các câu hỏi của đề.
Hội đồng biên soạn đề thi sẽ bám sát định hướng kiểm tra khả năng sử dụng ngôn ngữ của TS trong đời sống thực tế. Chuyên viên của Sở khuyên HS nên chú ý nhiều hơn đến phần từ vựng cũng như việc sử dụng tiếng Anh trong quá trình học và ôn thi.
Ở môn toán, ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên phụ trách môn toán của Sở GD-ĐT, cho hay đề thi sẽ bao gồm các dạng toán cơ bản thuần túy về đồ thị, hàm số, phương trình, các dạng toán thực tế, toán hình học. Các yêu cầu về kiến thức cơ bản sẽ chiếm 5,5 điểm trên thang điểm 10, phần còn lại là các bài toán thực tế.
Đề thi sẽ có 8 bài toán, trong đó bài 1 có nội dung về đồ thị, bài 2 liên quan đến định lý Viet, từ bài số 3 đến bài số 7 là những bài toán thực tế về diện tích, tỷ lệ phần trăm, yêu cầu TS dùng kiến thức toán học để giải quyết các vấn đề có liên quan đến môn lý, hóa, sinh, địa... Bài cuối cùng là bài toán về hình học phẳng với các câu hỏi nhằm phân hóa TS nên yêu cầu vận dụng kiến thức khá cao, đòi hỏi TS không chỉ nắm vững kiến thức mà phải tư duy để tìm ra lời giải.
Qua nhiều năm theo dõi những hạn chế và lỗi sai của TS, thầy Dương Bửu Lộc lưu ý HS lớp 9 trong quá trình học và ôn tập cần rèn kỹ năng đọc hiểu và làm tròn số, xử lý số gần đúng. Những bài toán thực tế tuy hơi dài nhưng thật ra không khó, TS cần có kỹ năng đọc - hiểu tốt để có thể phân tích đề, biết sử dụng dữ liệu của đề thi, biết vận dụng các công thức toán học để giải quyết câu hỏi.
Theo ông Trần Tiến Thành, chuyên viên phụ trách môn ngữ văn của Sở GD-ĐT, đề thi sẽ có 3 phần yêu cầu là đọc - hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Văn bản được chọn cho phần đọc - hiểu có thể là văn bản thông tin, nghị luận xã hội, khoa học... TS sẽ trả lời câu hỏi theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó; từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Các câu hỏi có thể yêu cầu phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh hay câu hỏi nêu nội dung văn bản; câu hỏi yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới...
Phần tiếp theo của đề thi sẽ yêu cầu TS viết bài văn nghị luận xã hội có độ dài khoảng 500 chữ. Khi làm bài, TS cần đảm bảo cấu trúc bài nghị luận xã hội, vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm, nhất là các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận. Khi bàn luận, đừng quên đúc rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính bản thân mình.
Riêng phần bài nghị luận văn học, có 2 đề, TS có thể lựa chọn yêu cầu nào mình thấy tự tin nhất để thực hiện. Trong đó, đề 1 sẽ là phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, truyện trong chương trình. Từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, mở rộng liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến... Đề còn lại sẽ có cách hỏi mới hơn, gợi mở hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.