Học sinh cần làm gì sau khi biết điểm chuẩn lớp 10?

Bích Thanh
Bích Thanh
12/08/2020 07:04 GMT+7

Sau khi xem điểm chuẩn lớp 10, việc trúng tuyển không đúng nguyện vọng yêu thích hay không trúng tuyển bất kỳ nguyện vọng nào cũng không phải là thất bại. Đó là một cơ hội mới mà học sinh cần phấn đấu để nắm bắt nó.

Hãy nắm bắt cơ hội mới đến

Cho đến thời điểm này, các thí sinh thi vào lớp 10 tại TP.HCM năm nay đã chính thức biết mình trúng tuyển hay không. Theo thầy Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1): “Rốt cuộc ngày ấy cũng đến - ngày công bố điểm chuẩn lớp 10, một ngày ẩn chứa rất nhiều niềm vui và cả nỗi buồn trong lòng của những người trẻ đang lớn”.
Thầy giáo Đức Anh chia sẻ: “Có những em trượt nguyện vọng 1 vì thiếu chút xíu điểm, thậm chí có em trượt cả 3 nguyện vọng, thất vọng như mất đi cả thế giới, không dám kể trên Facebook, đóng cửa phòng và khóc rất nhiều”.
Trước thực tế này, thầy Đức Anh đưa ra lời khuyên: “Vậy thì khóc đi em, khóc thật nhiều vào, thậm chí gào thét lên cũng được. Không cần khoác lên vai mình chiếc áo của sự mạnh mẽ, không cần gồng mình lên để chứng tỏ điều gì. Và sau cái hôm vật vã ấy, mình sẽ lại bình yên như đã từng. Đừng day dứt quá lâu, đừng thất vọng quá nhiều, và hãy đối xử tử tế với chính mình, hãy giữ lại niềm tin cho giấc mơ tuổi trẻ. Nhưng cũng đừng quên đi thất bại hôm nay, chấp nhận thất bại và hãy nghiêm túc lấy đó làm động lực để mạnh mẽ tiến về phía trước. Thất bại thật ra chỉ là cơ hội để bắt đầu lại một cách thông minh hơn”.
Là giáo viên gắn bó với học sinh lớp 9, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), gửi gắm: “Không đậu nguyện vọng 1 chắc chắn là buồn. Thầy không khuyên các em là: Thôi, đừng buồn! Lời khuyên ấy thật sáo rỗng. Các em cứ buồn đi! Và cho mình một giới hạn của nỗi buồn. Buồn 3 ngày thôi, buồn 1 tuần thôi nhé!”.

Đừng day dứt quá lâu, đừng thất vọng quá nhiều, và hãy đối xử tử tế với chính mình, hãy giữ lại niềm tin cho giấc mơ tuổi trẻ

Thầy Đỗ Đức Anh (Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM)

Thầy Bảo cũng nhắn nhủ: “Các em hãy trở lại với một tâm thế vững vàng và phải có nhiều nỗ lực hơn nữa. Điều không vui này là một phần tất yếu của cuộc sống. Đậu nguyện vọng 1 thì tốt, nhưng không đậu đúng nguyện vọng mình kỳ vọng cũng tốt. Tốt vì các em sớm được học bài học biết chấp nhận. Bài học khó khăn này là bí quyết của tất cả những người thành công. Nỗi buồn này sẽ mãi nhắc các em cần phấn đấu nhiều hơn nữa trong tương lai. Các em cũng không nên chỉ nhìn vào điểm đen của vấn đề. Đậu nguyện vọng 2 hay nguyện vọng 3 cũng là đậu”. Bởi theo thầy Bảo: “Điều mình mong muốn chưa chắc là điều tốt nhất dành cho mình. Nên tin là ngôi trường mà các em sắp bước vào sẽ rất tốt đối với các em. Cuộc đời vẫn đang mở ra cho các em rất nhiều cơ hội. Hãy không ngừng phấn đấu để nắm bắt được cơ hội của mình nhé!”.

Chọn mô hình học tập phù hợp

Với những học sinh không trúng tuyển vào trường công, thầy Đỗ Đức Anh chia sẻ: “Hành trình trưởng thành của ai cũng sẽ có lúc vấp ngã, sai lầm hay lạc hướng. Nếu không đi được đường thẳng thì mình đi đường vòng. Đích đến và thành công của cuộc đời mỗi người là khi được là chính mình, hạnh phúc với những gì mình vượt qua được”.
Vì vậy, thầy Nguyễn Đức Uy, Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), tư vấn: “Riêng các bạn không đậu cả 3 nguyện vọng thì các em có nhiều lựa chọn như theo học tại trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc chọn trường nghề. Với việc lựa chọn trường nghề, các em sẽ học được nghề mình thích và học luôn chương trình phổ thông. Theo học mô hình này, học sinh có lợi thế là sau khi hoàn thành chương trình phổ thông thì sẽ có bằng nghề để có thể đi làm ngay sau khi tốt nghiệp hoặc có thể học liên thông lên CĐ, ĐH”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Để thực hiện phân luồng học sinh sau THCS theo quy định, TP.HCM duy trì tỷ lệ học sinh vào THPT công lập là 70%. Vì vậy, tùy vào số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào lớp 10, trung bình mỗi năm có khoảng 20.000 thí sinh không trúng tuyển 3 nguyện vọng. Những thí sinh này, sẽ tùy thuộc vào địa bàn cư trú, điều kiện gia đình, năng lực học tập và sở thích, đam mê, có thể lựa chọn mô hình học tập phù hợp như trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp nghề”. Theo thống kê của Sở, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các mô hình học tập nói trên vào khoảng 35.000 học sinh.
Hãy giúp con hạnh phúc và được sống cuộc đời của mình
Chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft Tô Thụy Diễm Quyên kể: “Con gái tôi đã từng ôm chặt mẹ và hỏi giọng buồn rầu: “Nếu con thi rớt cả 3 nguyện vọng thì con sẽ ra sao hả mẹ?”. Tôi bình thản: “Có rất nhiều trường dân lập xuất sắc con ạ”. Con gái giọng vẫn buồn: “Nếu học dân lập con không thi vào ĐH được thì sao?”. Nghe mà thắt cả tim! Tội nghiệp con gái tôi và tội nghiệp những đứa trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển cấp. Cháu có một bà mẹ có tư duy cực mở mà cháu vẫn còn căng thẳng như thế, thử hỏi những đứa trẻ khác bị thúc ép phải đậu trường công trường tốp đầu thì sẽ thế nào...
Điều tôi mong muốn cho con mình đó là các con được hạnh phúc và được sống cuộc đời của cháu. Cháu không có trách nhiệm gì với ước mơ của tôi và không cần thực hiện những điều tôi chưa làm được. Tôi khuyến khích cháu trải nghiệm nhiều lĩnh vực để tìm ra đam mê và sở trường của mình.
Với phụ huynh, lúc này tôi chỉ có thể chia sẻ rằng điều ba mẹ cần quan tâm là sức khỏe và nhân cách của đứa trẻ mà thôi, vì việc học vẫn còn kéo dài suốt cuộc đời một người. Đừng quá căng thẳng với việc học của con mà phản tác dụng. Thế kỷ 21 thành công thuộc về những người có nhiều trải nghiệm và kỹ năng giải quyết vấn đề tốt, chứ không còn thuộc về người có nhiều bằng cấp nữa”.

Tuyển sinh lớp 10 TP.HCM: Thí sinh nói gì về đề thi?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.