Để thu ngân sách bền vững

13/12/2014 05:00 GMT+7

Giá dầu thô hôm qua đã mất mốc 60 USD/thùng và đánh dấu tuần thứ 10 liên tiếp giảm.

Mới nhất, tính đến chiều qua, giá dầu vừa mất thêm hơn 3 USD/thùng chỉ sau 1 ngày. Mà theo tính toán của Chính phủ, giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách hụt thu 1.000 tỉ. Với tính toán này và nhìn vào đà giảm của giá dầu, có lẽ phải nhanh chóng áp dụng kịch bản ứng phó sớm để hạn chế tối đa những khó khăn mang đến tình hình trên.

Theo tính toán, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì ngân sách hụt thu 40.000 tỉ đồng so với dự toán. Nếu xuống mức 40 USD/thùng thì ngân sách hụt thu khoảng 60.000 tỉ đồng (tính cả hụt từ giá xuất khẩu và thuế nhập khẩu). Đây là con số không hề nhỏ, nhất là trong năm 2015 được dự báo ngân sách sẽ còn rất khó khăn khi chi trả nợ, chi thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội tăng nhanh.

Ngoài giải pháp "thắt lưng buộc bụng" thông qua giảm chi, vấn đề đặt ra lúc này là lấy nguồn nào để bù cho phần ngân sách bị hụt đi từ dầu thô? Giải pháp bền vững và khả thi nhất, theo các chuyên gia, là kích thích sản xuất, kinh doanh trong nước để tạo nguồn thu từ hoạt động của các doanh nghiệp (DN). Muốn như vậy, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về vốn, về chi phí, về giá, về môi trường đầu tư, thủ tục hành chính... để các DN nhanh chóng có thu nhập, có lợi nhuận.

Về thuế, trước mắt có thể giảm thuế xăng dầu để đưa xăng dầu về mức giá tỷ lệ thuận với mức giảm của giá dầu thô. Điều này có thể làm được ngay vì thuế xăng dầu của ta hiện nay khá cao, chiếm khoảng 35% trong cơ cấu giá. Đây lại là mặt hàng thiết yếu, có tác động trực tiếp đến chi phí cước, chi phí sản xuất nên giảm được giá xăng dầu, DN chắc chắn dễ thở hơn một chút. Về vốn, làm sao để các DN, nhất là DN vừa và nhỏ thực sự tiếp cận được các nhà băng với lãi suất hợp lý.

Lâu nay chúng ta luôn thấy bức tranh các ngân hàng ế vốn, đưa ra nhiều chương trình ưu đãi vay vốn nhưng có một sự thật là DN rất khó vay được. Những DN nhỏ và siêu nhỏ (chiếm phần lớn trong cộng đồng DN) vẫn phải xoay xở vốn ngoài luồng với lãi suất rất cao, nó "ăn" hết cả năng lực cạnh tranh của họ khi chiến đấu với hàng ngoại và tạo cơ hội cho hàng giả, hàng lậu hành hoành.

Về thủ tục hành chính, chúng ta đang trong giai đoạn "nóng" để cải cách nhưng "độ ì" trong bộ máy công quyền vẫn hết sức cao, cần phải quyết liệt hơn nữa để tiết giảm thời gian và chi phí cho DN... Tóm lại, phải tạo mọi điều kiện thông thoáng để họ làm ăn sinh lời, ngân sách có được nguồn thu từ sự phát triển của nền kinh tế chứ không phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô như hiện tại.

Xây dựng, củng cố và duy trì sự ổn định và bền vững của ngân sách nhà nước là mục tiêu của tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng ngân sách của ta lâu nay lại dựa chủ yếu vào các nguồn thu không bền vững là thu từ khai thác tài nguyên và hoạt động xuất nhập khẩu - những lĩnh vực luôn chịu sự tác động, ảnh hưởng từ thế giới. Vì vậy, những thách thức của ngân sách từ việc giá dầu thô giảm mạnh hiện nay là cơ hội để cho chúng ta cơ cấu lại nguồn thu một cách bền vững.

Nguyên Khanh

>> Giảm thiệt hại ngân sách do giá dầu
>> Ngân sách và ý nguyện người dân
>> Giá dầu thô có thể xuống dưới 50USD/thùng
>> Kinh tế thiệt hại vì giá dầu giảm
>> Đại chiến giá dầu thế giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.