Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là: Vì sao càng tinh giản biên chế, bộ máy càng phình to?
Câu hỏi nghe có vẻ nghịch lý, nhưng lại là sự thật đã được Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính nêu ra trong buổi làm việc mới đây với Thành ủy Hà Nội. Biên chế hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu; nơi thừa cứ thừa, nơi thiếu vẫn cứ thiếu.
Trong bối cảnh như vậy, yêu cầu giảm đồng loạt 10% biên chế, hay thống nhất “ra 2 vào 1” là không hợp lý. Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, tổng số biên chế công chức, viên chức của Hà Nội là hơn 137.000 người, thấp hơn nhiều tổng số biên chế được T.Ư giao.
Nếu đúng như vậy thì cần tăng thêm biên chế cho Hà Nội chứ, nếu giảm đi 10% nữa thì chính quyền thành phố làm thế nào hoàn thành nhiệm vụ được giao? Hay những lĩnh vực như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất thải, bảo vệ môi trường sinh thái… thì cũng cần tăng thêm nhân lực có chất lượng cho những công việc này mới đúng.
Nguyên tắc của khoa học tổ chức nhà nước là: Từ công việc mà lập tổ chức, từ tổ chức mà xếp con người. Muốn tinh giản biên chế có hiệu quả và bền vững thì không thể không cải tổ bộ máy. Bộ Y tế đang chỉ đạo các địa phương sáp nhập các trung tâm, đơn vị sự nghiệp công lập có cùng chức năng quản lý về y tế dự phòng thành một đơn vị thống nhất là Trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh (CDC).
Chỉ riêng việc ấy thôi cũng đã làm dôi dư gần 3.300 lãnh đạo trung tâm, chưa kể cấp phòng và nhân viên y tế. Bộ máy hành chính cồng kềnh là do còn ôm đồm nhiều việc lẽ ra không phải của mình, ví dụ quản lý trực tiếp tài sản như đất đai, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, tài sản công… Nếu các vốn/tài sản đó chuyển cho doanh nghiệp công ích quản lý theo nguyên tắc đảm bảo trách nhiệm giải trình và kế toán kép thì vừa hiệu quả hơn, vừa giảm được rất nhiều biên chế bộ máy hành chính.
Thực tế là có nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về dịch vụ sự nghiệp công không cần biên chế nữa. Trong khi dịch vụ hành chính công vẫn do cơ quan hành chính nhà nước cung ứng/ủy quyền cung ứng thì dịch vụ sự nghiệp công, chủ yếu là y tế và giáo dục - đào tạo cần được tách ra khỏi hành chính, xóa bỏ “chủ quản”, thành đơn vị tự chủ hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp.
Theo Bộ Y tế, đến năm 2020 toàn bộ các bệnh viện công lập sẽ được tự chủ hoàn toàn; bệnh viện hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp; tiền lương của nhân viên y tế được trả từ giá dịch vụ khám, chữa bệnh; như vậy sẽ chẳng có lý do gì để duy trì biên chế nữa. Đối với lĩnh vực giáo dục thì có khó hơn, nhưng cách đây ít ngày Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã công bố sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo dục. Nếu chuyển được sang chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên và nhân viên y tế thì có nghĩa là hơn 2 triệu lao động không cần đến biên chế nữa.
Ngay trong các cơ quan hành chính cũng cần có những đổi mới theo hướng thu hẹp diện biên chế, mở rộng chế độ hợp đồng lao động. Trên cơ sở xác định vị trí việc làm rõ ràng, cụ thể cho từng công chức, cần chuyển việc quản lý công chức từ hệ thống chức nghiệp sang kết hợp hệ thống chức nghiệp với hệ thống việc làm, chuyển từ quản lý biên chế sang quản lý số lượng vị trí việc làm và cơ cấu công chức. Đội ngũ công chức được xác định theo hai cấp: cấp ổn định gồm các công chức cơ cấu khung thuộc biên chế dài hạn, và cấp linh hoạt gồm những công chức được tuyển dụng theo hợp đồng làm việc có thời hạn.
Thế giới đang đi vào cách mạng công nghiệp lần thứ tư; VN đang xây dựng Chính phủ điện tử, nhiều thành phố sẽ trở thành đô thị thông minh… Để đáp ứng những yêu cầu của thời kỳ mới, công tác tổ chức cán bộ cần có những thay đổi mang tính đột phá để trở thành yếu tố thúc đẩy phát triển xã hội.
Bình luận (0)