Để trẻ không còn đuối nước

Kim Lan
Kim Lan
08/05/2022 05:53 GMT+7

Trước tình trạng báo động về tai nạn đuối nước, nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên góp kế sách để nhà trường, xã hội chung tay phòng ngừa, không để xảy ra những câu chuyện thương tâm.

Như Thanh Niên đưa tin, chỉ trong vòng nửa tháng, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.2022 đã xảy ra nhiều vụ đuối nước khiến nhiều người tử vong, trong đó nạn nhân tập trung vào lứa tuổi học sinh. Đây là thực trạng đáng báo động trong công tác chăm sóc trẻ em và phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ.

Khu vực học sinh lớp 3 đuối nước thương tâm tại H.Bù Đăng (Bình Phước) ngày 2.5

Hoàng Giáp

Học bơi bắt buộc

Nỗi lo trẻ đuối nước cứ mỗi dịp đến gần kỳ nghỉ hè thường niên lại dấy lên trong lòng nhiều phụ huynh. Không hẳn vì các tai nạn đuối nước xảy ra gần đây, mà trên thực tế, câu chuyện bên cạnh việc tuyên truyền cho học sinh kỹ năng phòng chống đuối nước thì bộ môn bơi lội cần được tích hợp như một môn học kỹ năng đã được đặt ra từ lâu.

Đề cập đến việc cần xem môn bơi là một môn học bắt buộc trong nhà trường, bạn đọc (BĐ) Trần Quang Hòa nêu ý kiến: “Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Trường học nên có môn bơi. Bơi lội phải là môn bắt buộc. Vì đó là một trong những kỹ năng sống của con người, tại sao không? Năm nào đến dịp hè hay dịp nghỉ lễ cũng nghe thấy tin trẻ em đuối nước. Ông bà ta xưa nói có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo là đều có ý cả”.

Xin đề nghị với Bộ GD-ĐT là nên có chương trình dạy học bơi cho trẻ em bắt đầu từ lớp một, mỗi tuần một lần. Thầy giáo và nhà trường có trách nhiệm mỗi tuần đưa các em đến hồ bơi và sẽ được các huấn luyện viên dạy bơi. Cứ thế mỗi bậc học sẽ có một giờ bơi mỗi tuần và có huấn luyện viên bơi hướng dẫn. Như vậy, chuyện đuối nước thương tâm sẽ giảm nhiều.

Hung Nguyen

Chỉ cần trẻ biết tránh xuống hồ, ao ở những nơi xung quanh không có người lớn, biết sợ nguy cơ sảy chân rơi xuống nước, biết nhắc bạn bè không trêu đùa xô đẩy nhau… là đủ giảm thiểu nguy cơ rồi.

Minh Nghĩa

Tại nhiều địa phương, việc cho học sinh học bơi đã triển khai rất rộng, với nhiều mô hình. Tuy nhiên, nhiều BĐ cũng lưu ý rằng đôi khi các mô hình này mới dừng lại ở mức phong trào. BĐ Nguyễn Thị Ngọc Dung chia sẻ: “Trường con mình kế bên hồ bơi của quận nhưng chỉ học có 6 buổi thôi, vì học ít quá nên các cháu đa phần học xong vẫn không bơi được. Đề nghị nên cho học bơi suốt 1 năm học để các cháu ôn đi ôn lại mới không bị quên. Đừng học kiểu cho có, như vậy không giúp các cháu tránh đuối nước được”. Câu chuyện “học bơi không có hồ bơi” cũng được bạn đọc chỉ ra. “Trường học nhỏ quá, đến sân trường còn không đủ để tập thể dục lấy đâu mà có hồ bơi”, BĐ Na băn khoăn, đồng thời góp ý “để giúp trẻ học bơi không chỉ là câu chuyện của các trường học mà cả xã hội phải chung tay vào mới được”.

Học cách tránh nguy cơ

Nhiều BĐ cũng lưu ý rằng chỉ học bơi không thôi thì chưa đủ, vấn đề là ngay từ những ngày đầu ngồi trên ghế nhà trường, các em cần được giáo dục ý thức “tránh nguy cơ”. Dĩ nhiên, câu chuyện nhận biết nguy cơ phải được giáo dục thường xuyên, bằng nhiều hình thức khác nhau từ nhà trường về tới gia đình. BĐ phucanhhai@gmail.com cho rằng “Không phải cứ ra rả học sinh phải đi học bơi để chống đuối nước mà vấn đề là dạy cho học sinh nhận biết và phòng tránh đuối nước như thế nào!”. Tán thành, BĐ Tương nêu: “Rất đồng ý, không phải biết bơi là không bị đuối nước mà đòi hỏi phải có kỹ năng chống đuối nước. Nên soạn tập tài liệu về kỹ năng chống đuối nước và phải được phổ biến trong nhà trường song song với việc huấn luyện kỹ năng bơi cho trẻ”.

BĐ thienle68 gửi gắm: “Tôi nghĩ điều quan trọng hơn là dạy các em nhận thức chỗ nào không được tắm, bơi. Cha tôi từng dạy tôi rằng cách tốt nhất để không bị bò đá là đứng xa con bò. Do đó, tôi nghĩ cũng nên dạy các em phân biệt chỗ nào có thể tắm, chỗ nào không, chỗ nào tránh đến gần… để không bị đuối nước”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.