Đê trị thủy

20/12/2015 11:39 GMT+7

Hội nghị về biến đổi khí hậu thế giới diễn ra tại Paris (COP21 - Pháp) đã nhận được lời cam kết mạnh mẽ của nhiều vị nguyên thủ quốc gia từ 195 nước nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hội nghị về biến đổi khí hậu thế giới diễn ra tại Paris (COP21 - Pháp) đã nhận được lời cam kết mạnh mẽ của nhiều vị nguyên thủ quốc gia từ 195 nước nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Trong đó, VN cam kết đóng góp 1 triệu đô la và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính 8% vào năm 2030 trong hoạt động chống biến đổi khí hậu chung toàn thế giới.
Đê trị thủyKè li tâm ở Cà Mau lúc đang thi công - Ảnh: Gia Bách
Biến đổi khí hậu là tình trạng nóng dần lên của trái đất do hiệu ứng nhà kính gây ra. Hiệu ứng nhà kính là hệ quả của việc phát triển nền công nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch - than đá, xăng dầu và các phụ phẩm của xăng dầu. Việc dùng nhiên liệu hóa thạch đã thải vào tầng khí quyển lượng khí thải độc hại, trong đó chủ yếu là khí carbonic. Khí thải ấy đã khiến trái đất nóng lên và liên tiếp gây ra những hiệu ứng tai hại, những hiện tượng thời tiết cực đoan không theo quy luật tự nhiên đe dọa đời sống loài người.
Đầu thế kỷ 21, nhân loại đã nhận ra nhiều hệ quả của biến đổi khí hậu. Băng tan nhanh trên hai lục địa Bắc Cực và Nam cực khiến cho mực nước biển dâng cao, gây xói lở hoặc nhấn chìm các vùng đất ven biển. Nước biển ấm dần lên làm đổi hướng, xoay chiều các dòng hải lưu truyền thống, tiêu diệt một số loài động vật sống trong nước và các bãi san hô, tạo ra hiện tượng thời tiết cực đoan. Ấn Độ và Pakistan đã có những mùa hè nóng đến trên 45 độ C. Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản - những quốc gia xứ lạnh, đã trải qua những mùa hè nóng trên 40 độ C. Những cơn siêu bão mạnh và hung hãn đã tàn phá những vùng đất tươi đẹp ở Myanmar, Bangladesh, Mỹ, Mexico, Chile, Philippines...
Nước ta là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hệ quả của biến đổi khí hậu. Miền Trung ba năm liên tiếp không có mưa và lũ vào mùa đông và cũng không có mùa đông đúng nghĩa bởi nhiệt độ lạnh nhất nửa đêm về sáng chỉ dừng lại ở mức trên 20 độ C. Riêng năm nay, đến tận đầu tháng 12, Hà Nội còn là “mùa đông ấm áp” khi người ra đường chưa phải mặc áo chống rét. Trong khi đó, mực nước biển dâng cao đẩy độ mặn xâm thực sâu vào nội địa của đồng bằng sông Cửu Long, sóng biển cao làm xói lở hệ thống rừng phòng hộ và hệ thống đê biển ở Quảng Nam, Phú Yên, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang…
Trong hoàn cảnh như vậy, các kỹ sư thủy lợi và chuyên gia bảo vệ môi trường ở Cà Mau đã giới thiệu một kinh nghiệm xây dựng đê bảo vệ bờ biển khá mới mẻ, không chỉ đối phó được với tình trạng xói lở bờ biển mà còn ứng phó lâu dài trước hiểm họa biến đổi khí hậu. Họ cho đúc những trụ bê tông tròn, dài bảy mét, có trụ dài mười mét. Trụ bê tông được đóng xuống sâu trong lòng bãi bồi thành hai hàng song song, cứ năm cây bảy mét thì chen vào một cây mười mét, tất cả ló lên trên bãi bồi khoảng trên ba mét. Giữa hai hàng bê tông, họ đổ đá hộc, giữa hai trụ bê tông đối diện nhau, họ đúc đà kiềng.
Cứ như vậy, đường đê ven biển hoàn thành, vừa có tác dụng giảm năng lượng sóng biển và thủy triều tác động vào nội địa để tránh tình trạng xói lở, vừa làm “cái bẫy” giữ phù sa lại. Một chuyên gia giải thích: Nước biển theo sóng đánh đi qua thân đê, mang theo lượng phù sa màu mỡ. Khi nó rút ra, phù sa bị đê biển chặn lại, lắng xuống dần và bồi thêm cho bãi bồi cả phía trong và phía ngoài thân đê. Ở phía trong và phía ngoài thân đê, ngành lâm nghiệp khuyến khích nhân dân trồng thêm nhiều rừng đước, vừa tạo thêm rừng ngập mặn làm chỗ cho các loài thủy sinh trú ẩn và phát triển vừa gây rừng giữ đất, giảm năng lượng sóng và thủy triều.
Về mặt chính trị, đê biển mới ở Cà Mau vẽ lên được dáng hình địa lý của Tổ quốc ta ở vùng biển cực Nam. Nó đồng thời có thể trở thành con đường ven biển giúp bộ đội biên phòng của chúng ta cơ động trong công tác bảo vệ an ninh trật tự vùng bờ biển. Giá mỗi mét đê biển tính ra trên dưới 25 triệu đồng - một cái giá khá rẻ nhưng tác dụng chống xói lở của triều cường, bảo vệ bờ biển và giữ đất thì hữu hiệu hơn những cấu trúc xây dựng đê biển truyền thống trước nay.
Đây là một dạng xây dựng đê biển mới nhằm thích nghi với tình trạng mực nước biển dâng cao trong giai đoạn biến đổi khí hậu, vừa giữ cho đất không bị xói mòn mà lại tương đối rẻ tiền. Đó là một biện pháp ứng phó với hiện tượng sóng cao và triều cường mạnh do biến đổi khí hậu đem lại. Tất cả các địa phương có vùng bờ biển bị xói mòn đều có thể nghiên cứu, áp dụng và xây dựng dạng đê biển mới này. Bước đầu, tỉnh Cà Mau đã xây dựng được hàng chục cây số đê biển mới như vậy và đã đem lại hiệu quả tích cực.
Thành phố Hội An, xã đảo Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam), thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) và nhiều địa phương có bờ biển khác trên cả nước đang diễn ra nạn thủy triều gây xói lở bờ biển nghiêm trọng, đe dọa đời sống dân cư. Chúng tôi nghĩ nếu các nơi nghiên cứu và áp dụng xây dựng đê biển mới như công thức của Cà Mau thì có thể giữ được đất ven biển và ổn định đời sống dân cư.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng không từ một ai. COP21 ở Paris tiên lượng rằng vào cuối thế kỷ này, nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên thêm 2 độ C. Nếu tăng lên cỡ đó, trên 30% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nước biển mặn xâm thực, nhiều thành phố có thể bị ngập vì triều cường. Nói như Tổng thống Pháp F. Hollande, tình hình là cấp thiết lắm rồi, buộc nhân loại phải hành động để giảm lượng khí thải bảo vệ trái đất.
Mỗi người chúng ta có thể làm những việc thông thường để bảo vệ trái đất như tiết giảm nguồn năng lượng điện trong gia đình, không dùng bao ni lông - phụ phẩm của dầu hỏa, dùng những vật liệu tự nhiên như giấy và lá để gói đồ, tăng cường nguồn năng lượng sạch như phong điện và quang điện. Những hộ chăn nuôi gia súc nên thiết kế hệ thống biogas tái sử dụng nguồn khí thải từ phân động vật thay vì cứ xả thải ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước và không khí. Trên bình diện quốc gia, đất nước ta đang giới hạn xây dựng những nhà máy nhiệt điện, cố gắng tiết giảm việc dùng nguyên liệu hóa thạch trong sản xuất công nghiệp, xây dựng những công trình quang điện và phong điện, tăng cường trồng rừng trầm thủy chống xói mòn bờ biển, xây đập chắn để bảo vệ vùng nước ngọt và ngăn dòng nước mặn xâm thực.
Đê biển mới ở Cà Mau là một sáng kiến trong những sáng kiến. Nếu đê biển trên cả nước được nghiên cứu và xây dựng theo mô hình ấy thì đất nước vừa tiết kiệm được ngân sách, vừa bảo vệ và phát triển được đất đai trầm thủy, vừa cứu được nhiều loài động vật thủy sinh, vừa giữ được đất đai ven biển, vừa tạo nên một dáng hình Tổ quốc cụ thể và tươi đẹp. Đây là một công việc góp phần trị thủy. Trị thủy không phải là công việc mới mẻ giữa thời đại chúng ta mà đã có từ ngàn xưa khi đời sống con người được thiết lập trên quy mô quốc gia. Đê trị thủy ở Cà Mau là sáng kiến cần nhân rộng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.