Để trở thành nhà giáo nhân dân, giảng viên phải có 2 bằng độc quyền sáng chế?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
02/07/2023 10:41 GMT+7

Hàng loạt tiêu chuẩn cụ thể đã được Bộ GD-ĐT đề xuất để phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân cho giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học, giáo dục nghề nghiệp và ĐH.

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2024, thay thế cho Nghị định số 27 năm 2015.

Theo đó, tiêu chuẩn chung cho danh hiệu nhà giáo nhân dân là các nhà giáo có thời gian trực tiếp giảng dạy từ 20 năm trở lên; cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp giảng dạy đã được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú.

Đồng thời, đã 1 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh; được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trong năm liền kề năm đề nghị xét tặng; được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên (đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có 2 lần được tặng bằng khen bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên).

Để trở thành nhà giáo nhân dân, giảng viên phải có 2 bằng độc quyền sáng chế? - Ảnh 1.

Giảng viên ĐH để đạt danh hiệu nhà giáo nhân dân, ngoài việc chủ nhiệm 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (tương đương với 2 bằng độc quyền sáng chế) còn phải đáp ứng một số tiêu chuẩn khác

Đ.N.T

Đối với cán bộ quản lý, thì tập thể do cá nhân quản lý phải có 3 năm liền kề năm đề nghị xét tặng được công nhận danh hiệu "Tập thể lao động tiên tiến", trong đó có 2 lần đạt danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc", "Đơn vị quyết thắng" hoặc được tặng 2 cờ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên.

Về chuyên môn, dự thảo phân thành 4 nhóm đối tượng, với những quy định riêng về tài năng sư phạm xuất sắc. Cụ thể, nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục mầm non muốn đạt danh hiệu nhà giáo nhân dân cần đáp ứng một trong các tiêu chuẩn: Có 1 sáng kiến được công nhận có hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng trong bộ, ban, ngành, tỉnh; chủ trì biên soạn 2 báo cáo chuyên đề tại các cuộc sinh hoạt chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức; chủ trì biên soạn 2 tài liệu bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng cấp sở, ban, ngành tổ chức.

Nhà giáo, cán bộ quản lý tại các trường tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường giáo dưỡng, trường chuyên, trường năng khiếu, trường dự bị ĐH, trung tâm chính trị cấp huyện, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp cần đạt một trong các tiêu chuẩn: Có 1 sáng kiến được công nhận có hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng trong bộ, ban, ngành, tỉnh; chủ trì biên soạn 33 tài liệu bồi dưỡng hoặc báo cáo chuyên đề theo các chương trình bồi dưỡng hoặc sinh hoạt chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức...

Đối với nhà giáo, cán bộ quản lý tại các trường CĐ, trường chính trị tỉnh, cơ sở bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ban, ngành cần đạt các tiêu chuẩn: Có 1 sáng kiến được công nhận có hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng trong bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc chủ nhiệm 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, bộ đã được nghiệm thu từ mức đạt trở lên, được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực; là tác giả hoặc đồng tác giả 3 bài báo khoa học; chủ biên 1 giáo trình hoặc chủ trì biên soạn 3 tài liệu bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng do bộ, ban, ngành, tỉnh tổ chức.

Còn nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục ĐH, cán bộ nghiên cứu giáo dục muốn đạt danh hiệu nhà giáo nhân dân cần đạt các tiêu chuẩn: Chủ nhiệm 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (tương đương với 2 bằng độc quyền sáng chế), hoặc chủ nhiệm 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, bộ (tương đương với 4 bằng độc quyền giải pháp hữu ích hoặc bản quyền tác giả) đã được nghiệm thu từ mức đạt trở lên, được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực; tác giả hoặc đồng tác giả 10 bài báo khoa học; chủ biên 11 giáo trình; hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ...

So với Nghị định năm 2015, dự thảo nghị định mới có 4 nhóm đối tượng được phân theo từng cấp học, trong khi nghị định cũ gộp chung thành 2 nhóm đối tượng gồm: nhà giáo trong trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp và chung cấp và giảng viên cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp trình độ CĐ, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.

Các tiêu chuẩn ở nghị định cũ đối với giảng viên ĐH nhẹ nhàng hơn, không cần chủ nhiệm 1 nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia hoặc 2 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, là tác giả 5 bài báo khoa học (quy định mới là 10). Trong khi ở dự thảo nghị định mới, tiêu chuẩn ở giáo viên mầm non lại giảm bớt, chỉ cần 1 sáng kiến thay vì 3 sáng kiến...

Một điểm khác biệt lớn nữa là Nghị định năm 2015 quy định danh hiệu nhà giáo nhân dân dành cho cán bộ quản lý giáo dục riêng, với những tiêu chuẩn nhẹ nhàng hơn, chỉ cần chủ trì 2 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, bộ hoặc 2 nhánh đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia được hội đồng sáng kiến, hội đồng khoa học cấp tỉnh, bộ, cấp quốc gia nghiệm thu, được ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả thiết thực hoặc tham gia soạn thảo 4 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành theo quyết định phân công của người có thẩm quyền. Trong khi ở dự thảo nghị định mới, cán bộ quản lý cần đạt các tiêu chuẩn giống như giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.