Chính phủ yêu cầu cơ sở giáo dục ĐH cần có quy tắc liêm chính học thuật

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
01/01/2023 17:35 GMT+7

Cơ sở giáo dục ĐH phải ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đảm bảo nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch.

Ngày 30.12.2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 109 quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục ĐH.

Nghị định này quy định về tổ chức và quản lý hoạt động khoa học, công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, đồng thời quy định về nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh, các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; liêm chính học thuật; đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ...

Trường ĐH phải ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học công nghệ

p.h

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đảm bảo nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế.

Đồng thời, cơ sở giáo dục ĐH phải ban hành các quy định nội bộ công cụ để kiểm soát, biện pháp xử lý vi phạm để ngăn chặn hành vi đạo văn, gian lận và bịa đặt trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nghị định còn quy định các cơ sở giáo dục ĐH được thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp và được đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Căn cứ vào nhu cầu, tiềm lực và chiến lược phát triển, cơ sở giáo dục ĐH xây dựng các loại hình nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh.

Trong đó, nhóm nghiên cứu mạnh được thành lập và công nhận theo các điều kiện và tiêu chí sau: nhân lực tham gia nhóm nghiên cứu mạnh gồm nhà khoa học trong và ngoài nước có uy tín; giảng viên, nghiên cứu viên và người học có cùng hướng nghiên cứu từ cơ sở giáo dục ĐH; viện nghiên cứu và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nhóm nghiên cứu mạnh có định hướng nghiên cứu tiếp cận được các hướng nghiên cứu tiên tiến, hiện đại, có tính đột phá, liên ngành; có thuyết minh định hướng nghiên cứu và kế hoạch phát triển trong 5 năm.

Sản phẩm của nhiệm vụ nghiên cứu trong 5 năm đầu phải đáp ứng các tiêu chí gồm: Công bố ổn định và đạt mức trung bình mỗi năm ít nhất 10 bài báo trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS) đối với khối ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật công nghệ, ít nhất 10 bài báo trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu WoS và Scopus đối với khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, có sự gia tăng chất lượng các bài báo thông qua việc được đăng trên tạp chí quốc tế có chỉ số ảnh hưởng và chỉ số trích dẫn cao.

Nhóm nghiên cứu mạnh trong 5 năm cũng phải xuất bản ít nhất một sách chuyên khảo hoặc 2 sách, giáo trình và đào tạo được 5 tiến sĩ. Chưa kể mỗi năm được cấp ít nhất một bằng độc quyền sáng chế hoặc 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích hay 2 bằng bảo hộ giống cây trồng có tầm ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội.

Chuyển giao ít nhất 5 công nghệ sản xuất hoặc thương mại hóa ít nhất 5 sản phẩm khoa học và công nghệ vào thực tiễn phục vụ cộng đồng, hoặc có một sản phẩm khoa học và công nghệ quốc gia được công nhận.

Nhóm nghiên cứu mạnh được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ nhà nước như được ưu tiên đề xuất bố trí vốn đầu tư các dự án đầu tư phát triển cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, được ưu tiên cử thành viên tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ, được hỗ trợ kinh phí để công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế trong nước và nước ngoài.

Các cơ sở giáo dục ĐH cũng sẽ cấp kinh phí hoạt động thường xuyên, bố trí phòng làm việc và các phương tiện văn phòng cần thiết cho nhóm nghiên cứu mạnh, hỗ trợ tìm kiếm các nguồn đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm.

Trưởng nhóm và thành viên chủ chốt trong nhóm nghiên cứu mạnh ở các cơ sở giáo dục ĐH nếu là giảng viên cơ hữu sẽ được giảm 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy hằng năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.