Không chấp nhận 'biến tướng' trong nghiên cứu khoa học

Quý Hiên
Quý Hiên
15/12/2021 07:03 GMT+7

Vấn đề nhà khoa học công bố công trình nghiên cứu chỉ ghi một địa chỉ mà không phải nơi mình làm việc là 'biến tướng' trong nghiên cứu khoa học, không thể chấp nhận...

Công khai và minh bạch trong hoạt động khoa học

Ông Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GD-ĐT), đã trao đổi với phóng viên Thanh Niên về vấn đề nhà khoa học công bố công trình nghiên cứu chỉ ghi một địa chỉ mà không phải nơi mình làm việc.

Theo ông Đôn, trong quá trình đẩy mạnh công bố quốc tế, như báo chí phản ánh, có tình trạng tác giả là giảng viên cơ hữu của trường này lại ghi địa chỉ duy nhất trường khác, nhưng cũng không phải là kết quả của việc hợp tác nghiên cứu khoa học nghiêm túc mà là biến tướng trong nghiên cứu khoa học. Bất cứ hình thức biến tướng nào từ trao đổi, hợp tác trong nghiên cứu thành “mua bán” các bài báo khoa học đều không thể chấp nhận và cần phải phê phán. Liêm chính trong nghiên cứu khoa học cần đảm bảo 4 nguyên tắc: trung thực, trách nhiệm, công bằng và minh bạch.

Nhà khoa học công bố công trình nghiên cứu chỉ ghi một địa chỉ mà không phải nơi mình làm việc đã từng được Báo Thanh Niên đề cập

Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo cơ sở giáo dục ĐH thực hiện minh bạch tiềm lực khoa học công nghệ và kết quả nghiên cứu, thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định của luật Giáo dục ĐH; đồng thời đã trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục ĐH. Trong dự thảo nghị định này có quy định về trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH đảm bảo liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các cơ sở giáo dục ĐH phải có trách nhiệm thực hiện chống sao chép, đạo văn, gian lận trong khoa học, và các hành vi vi phạm liêm chính học thuật.

Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện công khai, minh bạch về hoạt động khoa học và công nghệ trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số. Các nội dung mà Bộ GD-ĐT yêu cầu cơ sở đưa lên website gồm: nhân lực cơ hữu, cộng tác viên nghiên cứu, tài chính cho hoạt động nghiên cứu, danh mục đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu các cấp, lý lịch khoa học của cán bộ cơ hữu, danh sách cộng tác viên và các học giả mời, học giả hợp tác, các ấn phẩm khoa học dưới dạng bài báo khoa học, sáng chế, giải pháp hữu ích, sách chuyên khảo, các hội thảo khoa học... Các thông tin này phải được cập nhật thường xuyên để mọi người có thể dễ dàng truy cập, tra cứu.

“Bộ GD-ĐT cũng khuyến cáo cơ sở giáo dục ĐH xây dựng quy định cụ thể về liêm chính học thuật, trong đó công khai và minh bạch trong hoạt động khoa học và công nghệ là yếu tố cốt lõi. Trách nhiệm giải trình với xã hội là yếu tố đảm bảo uy tín để xây dựng một nền khoa học thực chất vì sự phát triển bền vững của giáo dục ĐH”, ông Đôn nói.

Các cơ quan chủ trì cần bổ sung việc ghi địa chỉ

Trao đổi với Thanh Niên, GS Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng ngành toán, Quỹ NAFOSTED, cho biết mới đây ông đã chính thức đề xuất với Quỹ về giải pháp xử lý vấn đề báo nêu. Việc một số ý kiến cho rằng vì chưa có quy định “công trình nghiên cứu chỉ ghi một địa chỉ mà không phải nơi mình làm việc” nên khó xử lý là không đúng. Cụ thể, điều 4 của hợp đồng, cơ quan chủ trì có những quyền và nghĩa vụ sau: “Thực hiện việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo ủy quyền của Quỹ NAFOSTED đối với kết quả nghiên cứu”, “Hưởng quyền tác giả bao gồm cả các lợi ích thu được (nếu có) từ việc khai thác thương mại các kết quả thực hiện đề tài theo quy định pháp luật”, “Có trách nhiệm chuyển giao kết quả nghiên cứu theo quy định của Quỹ NAFOSTED và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.

Căn cứ theo các điều khoản này, cơ quan chủ trì có nghĩa vụ yêu cầu đề tài ghi địa chỉ cơ quan mình trong các công bố, Quỹ có quyền không nghiệm thu các đề tài vi phạm chuyện này. Với vai trò tư vấn, hội đồng ngành có trách nhiệm đề nghị Quỹ không nghiệm thu đề tài khi phát hiện ra sự việc.

GS Trung cũng cho rằng việc một số cơ quan chủ trì nói rằng họ không chịu trách nhiệm đến việc đề tài ghi địa chỉ ở đâu vì Quỹ không yêu cầu là trả lời thiếu trách nhiệm, vì Quỹ ký hợp đồng với cơ quan chủ trì, chứ không ký trực tiếp với chủ nhiệm đề tài. Sau đó, cơ quan chủ trì ký hợp đồng thuê khoán chuyên môn với các cá nhân để thực hiện đề tài. Theo hợp đồng với Quỹ, cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm mọi mặt trong việc triển khai nội dung đề tài, kể cả việc sử dụng kinh phí. Nếu đề tài không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan chủ trì sẽ phải trả tiền đền bù cho Quỹ theo quy định. Qua đây, có thể thấy sản phẩm đề tài (các công bố khoa học) thuộc về quyền sở hữu trí tuệ của cơ quan chủ trì.

“Để giải quyết dứt điểm chuyện này, Quỹ nên có thông báo chính thức không chấp nhận các bài báo không ghi địa chỉ cơ quan chủ trì. Các cơ quan chủ trì cần bổ sung vào hợp đồng thuê khoán chuyên môn với các đề tài điều khoản đề tài phải ghi địa chỉ cơ quan. Rất mong Quỹ xem xét việc này để tránh những dị nghị của xã hội đối với trách nhiệm quản lý của Quỹ”, GS Trung phát biểu.

Theo các nhà khoa học, điều 20 của Thông tư 37 do Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành tháng 12.2014, quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ NAFOSTED tài trợ đã nêu rõ trách nhiệm của tổ chức chủ trì đề tài, trong đó có ràng buộc cơ quan chủ trì đề tài phải có trách nhiệm về việc người chủ trì đề tài phải ghi địa chỉ cơ quan chủ trì trên bài báo nằm trong đề tài nhận tài trợ. Điều 20 cũng quy định, nếu vi phạm các quy định trên, cơ quan chủ trì đề tài không được đăng ký làm tổ chức chủ trì các đề tài do Quỹ tài trợ trong thời gian 1 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.