Để văn hóa đọc có nhiều ‘đường băng’ cất cánh

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
14/11/2021 06:13 GMT+7

Theo đánh giá của Hội Xuất bản qua giải thưởng Sách Quốc gia , sách năm nay có nội dung phong phú, có tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau.

Bạn trẻ đọc sách tại Đường sách TP.HCM ngày 13.11.2021

Ngọc Dương

Dòng xuất bản đa dạng

Tại giải thưởng Sách Quốc gia năm nay, có một tác phẩm được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viết lời tựa. Đó là cuốn Hồ Chí Minh - Biểu tượng của hòa bình, tình hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới. Lời tựa của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có đoạn: “Với cách trình bày khoa học dựa trên một khối tư liệu phong phú, nội dung cuốn sách đã hệ thống, khắc họa sinh động, sâu sắc những hoạt động quốc tế, hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện phong phú tư tưởng, nghệ thuật, phong cách ngoại giao đặc sắc của Người, toát lên tình cảm thắm thiết, niềm tin yêu, kính trọng và sự tôn vinh của Đảng ta, dân tộc ta và bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Bạn trẻ đọc sách tại Đường sách TP.HCM sau khi nới lỏng giãn cách

Ngọc Dương

Trong lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản, cũng nhắc tới cuốn sách này như một trong những cuốn sách nội dung phong phú, đa ngành, đa mục tiêu, hướng tới nhiều đối tượng độc giả. Theo ông Bảo, tác phẩm Hồ Chí Minh - Biểu tượng của hòa bình, tình hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới do GS-TS Nguyễn Xuân Thắng chỉ đạo biên soạn đã cung cấp nguồn tài liệu ảnh khá phong phú, có giá trị, khắc họa sinh động, sâu sắc những hoạt động quốc tế, hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp bạn đọc có thể hiểu sâu thêm về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Người. Đây là cuốn sách có nguồn kinh phí xã hội hóa.

Một cuốn sách khác cũng được các chuyên gia khoa học xã hội và nhân văn đánh giá cao là cuốn Nhà nước thế tục. Trong cuốn sách, GS-TS Đỗ Quang Hưng viết về các vấn đề lý luận tôn giáo và nhà nước. Cuốn sách này phát triển tiếp từ một đề tài nghiên cứu lý luận của GS-TS Đỗ Quang Hưng do Hội đồng Lý luận T.Ư đặt hàng. Khi xuất bản, đây cũng là một cuốn sách được tài trợ của nhà nước. Trước đó, GS-TS Đỗ Quang Hưng cũng đã xuất bản sách từ đề tài lý luận trên.

Trong công nghiệp xuất bản, người thiết kế, minh họa cũng rất quan trọng. Tại sao lại không có giải thưởng tôn vinh cho họ? Họ là một thành tố quan trọng của xuất bản cơ mà.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Bên cạnh sách từ nguồn xã hội hóa, từ tiền nhà nước, còn có rất nhiều sách liên kết giữa các đơn vị xuất bản khác nhau. Có thể thấy những loại sách này có nhiều thành công. Chẳng hạn, Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam có cuốn sách dịch Nghệ thuật Huế(tác giả Léopold Michel Cadière, Edmond Gras, người dịch: Nguyễn Thanh Hằng) là sách liên kết với NXB Thế giới. Nhã Nam cũng có sách liên kết với NXB Hội Nhà văn được giải nữa là Bài thơ của một người yêu nước mình (Trần Vàng Sao). Bản thân cuốn Nghệ thuật Huế cũng cho thấy thành công của việc “trục vớt” các tác phẩm nghiên cứu của học giả nước ngoài về Việt Nam bên cạnh những cuốn sách dịch văn học khác của Nhã Nam.

Sự đa dạng có thể nhìn thấy rất rõ ở mảng sách thiếu nhi. NXB Kim Đồng không chỉ giới thiệu lại những tác phẩm xưa của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Năm ngoái, họ có cuốn sách được giải thưởng giới thiệu nhà thơ Quang Dũng. Năm nay, Chang hoang dã là cuốn sách định hướng cho trẻ gần gũi hơn với thiên nhiên. Lối sống này càng ngày càng tạo nhiều thiện cảm với độc giả trong nước. Tác phẩm cũng có sức thuyết phục lớn, đủ để hút NXB Pan Macmillan (Anh) mua bản quyền. 100% lợi nhuận của cuốn sách được tác giả Trang Nguyễn sử dụng để phục vụ cho các dự án bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam.

Cuốn Hồ Chí Minh - Biểu tượng của hòa bình, tình hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới

TL

Nâng chất lượng giải thưởng

Có thể thấy, nhiều cuốn sách được giải Sách Quốc gia bắt đầu từ các đề tài nghiên cứu khoa học của nhà nước. Chẳng hạn, PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh năm nay nhận giải C với cuốn Văn Miếu Việt Nam - Khảo cứu, NXB ĐHQG Hà Nội. Năm trước, ông Mạnh cũng đã nhận giải B với cuốn Tên tự tên hiệu các tác giả Hán Nôm Việt Nam, NXB KHXH. Bên cạnh đó, cuốn sách bị rút khỏi danh sách giải thưởng Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa (2 tập), NXB Thuận Hóa, cũng là một nghiên cứu liên quan đến UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế. Những điều này đặt ra vấn đề là nếu nhà nước muốn đặt hàng sách thì nên tổ chức việc soạn thảo nội dung, nghiệm thu nội dung thế nào cho hiệu quả.

Nên có giải riêng cho sách dịch ?

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đặt vấn đề sách dịch, giải thưởng Sách Quốc gia nên có bảng đấu sách dịch riêng chứ không để “lẫn” như hiện nay. Về vấn đề này, Phó chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Hoàng Phong Hà cho rằng đây cũng là băn khoăn của nhiều thành viên trong hội đồng, nhất là khi tỷ lệ sách dịch so với sách viết cũng là khá cao. Ông Hà cho biết sẽ đưa ra xin ý kiến Hội đồng giải thưởng Sách Quốc gia về vấn đề này trong thời gian tới.

Về điều này, GS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo, chia sẻ chắc chắn chỉ có nhà nước mới hiểu mình cần gì để đặt hàng. Tuy nhiên, có những sách luôn cần. Chẳng hạn, khi cần chứng minh cho một chính sách biển đảo, nhà nước sẽ đặt hàng. Tuy nhiên, trong những lĩnh vực lý thuyết nghiên cứu thì những sách có tính lý thuyết của Việt Nam viết thì nhà nước nên ưu tiên. Loại đề tài, sách thứ hai nhà nước nên đặt là chứng minh những vấn đề cần thay đổi trong các chính sách. Cũng nên đặt hàng các vấn đề đối ngoại và quốc tế, ví dụ vấn đề biển đảo hay tranh cãi, hay nói về chủ nghĩa dân túy của Mỹ bây giờ... Thêm vào đó, ông Hưng cho rằng: “Từ 2018, nhà nước đã loại bỏ hình thức đặt hàng phân phối đều nhau cho các NXB. Nhà nước có thể đừng như bao cấp, rải đều chia đều miếng bánh thì sẽ khó có bản thảo hay”.

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, có một giải thưởng nên được quay lại. Trước đây, giải thưởng sách của Hội Xuất bản có giải Sách Đẹp, sau khi trở thành giải Sách Quốc gia thì không còn nữa. Trong khi đó, đây là một giải thưởng tôn vinh một trong những thành phần sáng tạo ra cuốn sách là họa sĩ thiết kế. “Trong công nghiệp xuất bản, người thiết kế, minh họa cũng rất quan trọng. Tại sao lại không có giải thưởng tôn vinh cho họ? Họ là một thành tố quan trọng của xuất bản cơ mà”, ông Nguyên nói. Cũng theo ông Nguyên, những biên tập viên tìm được bản thảo tốt, NXB dám in những bản sách “gai góc” cũng xứng đáng được tôn vinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.