Để văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng không 'lệch chuẩn'

27/02/2023 18:24 GMT+7

Ngày 27.2, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức hội thảo với chủ đề "Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng" nhằm tìm ra các giải pháp xây dựng hình ảnh đẹp của nghệ sĩ trong mắt công chúng.

Hội thảo đã nhận được tham luận và ý kiến đóng góp của nhiều nghệ sĩ, đạo diễn như nghệ sĩ Ngọc Dương (Nhà hát Chèo Hà Nội), NSND Trần Quốc Chiêm (Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội), đạo diễn Đường Minh Giang (Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội)...

Để văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng không 'lệch chuẩn' - Ảnh 1.

Mỗi nghệ sĩ cần chuẩn bị hành trang văn hóa, biết cách “nhập gia tùy tục”, để những giá trị đạo đức phải được xem là hệ điều tiết cho hành vi của bản thân, góp phần giữ gìn hình ảnh, uy tín của cá nhân và giúp tỏa sáng những giá trị văn hóa của đất nước

NGUYỄN HIỀN

Theo đề dẫn tại hội thảo, văn hóa ứng xử của mỗi người được hình thành từ nền tảng giáo dục và những tri thức, phông nền văn hóa được tích từ nhiều năm học hỏi. Với nghệ sĩ, văn hóa ứng xử còn thể hiện ở việc giữ gìn hình ảnh, lối sống và đạo đức nghề nghiệp.

 Theo đạo diễn Đường Minh Giang, nghệ sĩ là sự tổng thể của các tầng kiến trúc xã hội trong đời sống thực thể. Vì vậy, cách phát ngôn nếu phóng túng, thoải mái có thể là sự tự đánh mất mình, từ đó bị đánh giá về tính cách và bản sắc của người nghệ sĩ.

Ông cũng nhấn mạnh: "Hai từ nghệ sĩ rất lớn lao, tự hào và đáng được trân trọng, nhưng nó dễ làm nghệ sĩ chúng ta ảo tưởng, nếu như chính nghệ sĩ không biết tôn trọng và bảo vệ thành quả nghệ thuật".

NSND Trần Quốc Chiêm thì đưa ra những giải pháp nâng cao trách nhiệm xã hội đối với nghệ sĩ như: nghệ sĩ cần ý thức sâu sắc về sứ mệnh, thiên chức nghệ thuật cao cả, thiêng liêng mà mình đang đảm trách; phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; nâng cao trình độ tay nghề, năng lực chuyên môn; kiên trì, nỗ lực trong sáng tạo, trình diễn; ra sức học tập, trau dồi tri thức, vốn sống, vốn hiểu biết; tích cực thâm nhập cuộc sống để hiểu rõ cuộc đời cũng như tâm lý, nhu cầu của công chúng. Có ứng xử phù hợp với quy tắc, chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, xã hội; gương mẫu thực hiện tốt quy tắc ứng xử của nghệ sĩ mà Bộ VH-TT-DL đã ban hành.

Về việc nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, theo TS Cao Ngọc, Đài Tiếng nói Việt Nam, đây là hành vi vi phạm trách nhiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng, lợi dụng sự tin tưởng, tình cảm của công chúng dành cho họ. Thiếu trách nhiệm, trục lợi theo cách bất chấp, gây ra những hậu quả như tổn hại sức khỏe, tinh thần, niềm tin, tiền bạc của công chúng, những nghệ sĩ này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp, gây ra những lỗi lớn trong ứng xử văn hóa với số đông.

Chính vì vậy, bà Cao Ngọc đề nghị cần có chế tài nghiêm khắc và mạnh mẽ hơn để các nghệ sĩ thấu hiểu và có trách nhiệm trước các hành vi của mình.

Các tham luận khác tại hội thảo cũng cho biết, tại Việt Nam ngày nay, có cả "văn hóa thần tượng". Vì vậy, cách hành xử của nghệ sĩ có ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng trong việc xây dựng lối sống đẹp. 

Điều này cũng cho thấy, nghệ sĩ khi đã trở thành người của công chúng thì càng cần phải tự ý thức trách nhiệm nhiều hơn trong việc giữ gìn hình ảnh, chuẩn mực trong lời nói và ứng xử với đồng nghiệp, cũng như những người xung quanh.





Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.