Học sinh thích thú
Dù khiến nhiều học sinh (HS) bất ngờ nhưng đề văn theo chủ đề xuyên suốt “Bức thông điệp của thời gian” nhận nhiều lời khen từ HS, phụ huynh và các giáo viên.
“Đề không dễ nhưng lại khiến em thích thú” là chia sẻ của thí sinh (TS) Võ Thị Thùy Dương, điểm thi Trường THCS Chu Văn An (Q.1). TS này cũng cho hay trong bài viết đã thể hiện sự trưởng thành của con người qua yếu tố thể chất và suy nghĩ. “Sự trưởng thành về suy nghĩ, tâm hồn không có giới hạn hay phân biệt về tuổi tác. Có người, tuổi nhỏ nhưng suy nghĩ, hành động lại chín chắn, chuẩn mực. Và ngược lại cũng có không ít cá nhân, lớn tuổi nhưng mãi không chịu lớn”, Thùy Dương thông tin.
Thí sinh trong buổi thi môn ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm học 2022 - 2023 |
NGỌC DƯƠNG |
Thùy Dương cho hay đã nhớ lại những ngày giãn cách trong đại dịch Covid-19, thời gian trôi qua đã cảm nhận về cuộc sống như thế nào. Qua đó, Thùy Dương cho rằng dù ở lứa tuổi nào cũng phải cố gắng làm tốt nhất những gì có thể, trân trọng thời gian để sự trưởng thành thật ý nghĩa.
TS tên Khanh tại điểm thi Trường THCS Chánh Hưng (P.5, Q.8) yêu thích cách ra đề theo một chủ điểm xuyên suốt “Bức thông điệp của thời gian” như cách Sở GD-ĐT TP.HCM đã làm.
“Đề thật sự dễ hiểu, cho phép khai thác theo chiều sâu. Dù HS giỏi hay dở đều có thể làm theo sức mình”, phụ huynh tên Ân, có con thi vào lớp 10 trong kỳ thi tuyển sinh tại TP.HCM, chia sẻ.
“Chưa bao giờ làm giáo viên thất vọng”
Còn giáo viên Lê Hải Minh, dạy ngữ văn tại Q.10, thì nói rằng “đề thi ngữ văn ở TP.HCM chưa bao giờ làm giáo viên thất vọng”. Giáo viên này nhận xét: “Với chủ đề “Bức thông điệp của thời gian”, từ đọc hiểu đến nghị luận xã hội, nghị luận văn học, đều bám sát với chủ đề đó. Ở mỗi phần, đề đã đặt ra những vấn đề khác nhau về sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Vấn đề đặt ra trong nghị luận xã hội là dịp để TS nhìn lại chính bản thân mình. Đặt ra vấn đề này cho lứa tuổi “ẩm ương” là dịp để các bạn lắng nghe từ chính suy nghĩ của mình, hiểu được những lo lắng của ba mẹ và thầy cô. Từ đó có thể điều chỉnh và cân đối về hành vi, giúp mình và người lớn thấu cảm với nhau nhiều hơn”.
Thạc sĩ Trần Nguyễn Tuấn Huy, mạng lưới chuyên môn ngữ văn Q.5, tổ trưởng tổ văn Trường THCS Trần Bội Cơ, cho hay chủ đề “Bức thông điệp của thời gian” trong đề thi văn tuyển sinh lớp 10 hướng người thi đến sự suy ngẫm sâu sắc hơn về cuộc sống. Theo ông Huy, đặc biệt năm nay đề số 2 nghị luận văn học không nặng lý luận: “Thường mọi năm HS khá e dè khi lựa chọn để làm đề này. Nhưng năm nay một đề nghị luận văn học với tính gợi mở và khá gần gũi với cuộc sống như vậy, tôi nghĩ HS sẽ rất hứng thú để trải nghiệm thử sức”.
Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn ngữ văn sáng qua |
nhật thịnh |
Cần đáp án mở, giám khảo không cứng nhắc
Giáo viên Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), đánh giá nội dung và độ khó của đề thi phù hợp với HS lứa tuổi 15 (chủ đề thời gian). Đề có cấu trúc và câu hỏi giống với các năm trước, điều này gần gũi với HS. Mặt khác, đề không yêu cầu HS học thuộc lòng, chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực. Giáo viên này nhìn nhận với đề thi này, dự đoán có nhiều điểm cao và điểm số phụ thuộc vào kỹ năng của TS.
Ở phần đọc hiểu, các câu hỏi rất rõ ràng, rất dễ, HS trung bình, yếu cũng có thể làm được bài. Câu hỏi này không gây áp lực cho HS trong hoàn cảnh dịch bệnh. Nội dung của đề nhân văn, có tính giáo dục cao. HS được thể hiện quan điểm, suy nghĩ cá nhân trong bài và đề cũng không áp đặt suy nghĩ của HS.
Với đề thi môn ngữ văn năm nay, nhiều giáo viên đều nhận xét chung không dễ và có tính phân hóa, phù hợp với mục tiêu tuyển sinh. Giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi, Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú), bày tỏ khi đề thi thiên về tư duy thì đáp án cần có tính mở, tôn trọng sự sáng tạo, phản biện và suy nghĩ của mỗi TS.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ngày 16.6, Sở sẽ công bố đáp án các môn thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Những hình vẽ trong đề thi
Nguyễn Hữu Hưng, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thủ khoa khối C với 29,25 điểm năm 2020, nhận xét: “Những năm qua đề văn vào lớp 10 của TP.HCM luôn rất hay. Đặc biệt, trong đề văn luôn có cách cô đọng những câu chữ thành hình vẽ trong đề thi. Những năm trước, có lần đề văn vẽ hình ảnh những cái cây và đưa ra câu hỏi. Và năm nay, đề vẽ hình ảnh chiếc đồng hồ, tin nhắn từ thời gian. Cách ra đề thú vị tạo cảm hứng cho TS làm bài”.
Theo Hưng, đề thi cũng đặt ra một câu hỏi lớn “học từ quá khứ hay trải nghiệm hiện tại”, mong muốn HS hãy hướng tới sự linh hoạt, cân bằng trong cuộc sống, có những lúc cần chậm lại để lắng nghe xung quanh, yêu thương nhiều hơn, nhưng cũng có lúc cần chuyển hóa, bứt phá mạnh mẽ trong hiện tại.
Bình luận (0)