Đề xuất 4 cơ chế đặc thù tăng tốc dự án vành đai 3 TP.HCM

07/04/2022 15:43 GMT+7

Các địa phương nơi dự án vành đai 3 TP.HCM đi qua thống nhất đề xuất 4 cơ chế đặc thù gồm: nguồn vốn đầu tư, phân chia dự án thành phần, chỉ định thầu và khai thác vật liệu.

Chiều 7.4, tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM, Phó giám đốc Sở GTVT Phan Công Bằng đã giải trình một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm về dự án vành đai 3, đi qua 4 địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.

Ông Bằng cho biết UBND TP.HCM và các tỉnh thống nhất đề xuất 4 cơ chế chính sách đặc thù trình Quốc hội xem xét, cho phép áp dụng để đảm bảo tiến độ dự án.

Dự án vành đai 3 được kỳ vọng sẽ giải được bài toán kẹt xe khu vực cửa ngõ, tăng kết nối liên vùng giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận

ngọc dương

Về nguồn vốn đầu tư, TP.HCM kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng vốn ngân sách T.Ư và vốn ngân sách địa phương để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Cụ thể, bố trí nguồn vốn T.Ư theo tỷ lệ 50% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và 75% tổng mức đầu tư trên địa bàn tỉnh Long An; còn lại là ngân sách địa phương.

Đồng thời, cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương (từ các nguồn đấu giá quỹ đất dọc tuyến, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác khi thực hiện dự án). Sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư.

Về tổ chức thực hiện dự án, các địa phương đề xuất phân chia dự án thành 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án gồm: xây dựng đường giao thông, và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ngoài ra, TP.HCM cũng được đề xuất giao làm cơ quan đầu mối thực hiện các công tác tổng hợp liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và là đầu mối điều phối, phối hợp với các tỉnh.

Về cơ chế chỉ định thầu, các địa phương kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu: tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, xây lắp để thực hiện dự án; trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Ngoài ra, các địa phương kiến nghị Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện dự án. Cụ thể, đối với mỏ khoáng sản tại địa phương nơi có dự án đi qua, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác.

Đối với các khu vực khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác) nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, chỉ cấp cho nhà thầu thi công dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản.

Đối với địa phương ngoài khu vực dự án có các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng sử dụng, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù như đối với mỏ khoáng sản tại các địa phương nơi có dự án đi qua.

Dự án vành đai 3 đi qua 4 địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An có chiều dài khoảng 76,34 km với tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỉ đồng, ngân sách TP.HCM dự kiến bố trí cho dự án là 24.010 tỉ đồng, dự kiến nhu cầu sử dụng đất của dự án hơn 642 ha.

Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bắt đầu triển khai từ quý 3/2022, hoàn thành vào quý 2/2024; dự kiến khởi công trong quý 4/2023 và hoàn thành toàn bộ dự án và năm 2026, quyết toán vào năm sau đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.