Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cảnh vệ. Luật này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Chế độ cảnh vệ với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng
Tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất các chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận; được bảo vệ nơi ở; được bảo vệ nơi làm việc; được bảo vệ địa điểm hoạt động; được bảo đảm an ninh, an toàn về đồ dùng, vật phẩm, thức ăn, nước uống, phương tiện đi lại.
Ngoài ra, các chức danh trên khi đi công tác bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường; đi bằng tàu hỏa được bố trí toa riêng; đi bằng tàu bay được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ, đi bằng tàu thủy được sử dụng tàu riêng có phương tiện dẫn đường, hộ tống bảo vệ.
Đối với nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng, các chế độ cảnh vệ gồm: được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận; được bảo vệ nơi ở.
Đối với Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, các chế độ cảnh vệ gồm: được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận; được bảo vệ nơi ở; được bảo vệ nơi làm việc; khi đi công tác trong nước bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.
Đối với Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng, các chế độ cảnh vệ gồm: được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận; khi đi công tác trong nước bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.
Chi tiết các biện pháp cảnh vệ
Cũng tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất các biện pháp cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong đó, đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, các biện pháp cảnh vệ gồm: bảo vệ tiếp cận; vũ trang tuần tra, canh gác nơi ở, nơi làm việc, địa điểm hoạt động; kiểm tra an ninh, an toàn nơi ở, nơi làm việc, địa điểm hoạt động, đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng.
Ngoài ra còn có các biện pháp khác như bố trí lực lượng đi trước nắm tình hình, khảo sát để xây dựng, triển khai phương án bảo vệ; ứng dụng khoa học và công nghệ, sử dụng phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại; sử dụng thẻ, phù hiệu…
Đối với nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng, các biện pháp cảnh vệ gồm: bảo vệ tiếp cận; vũ trang tuần tra, canh gác nơi ở.
Đối với Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, các biện pháp cảnh vệ gồm: bảo vệ tiếp cận; vũ trang tuần tra, canh gác nơi ở, nơi làm việc; bố trí lực lượng đi trước nắm tình hình, khảo sát để xây dựng, triển khai phương án bảo vệ trong trường hợp cần thiết; ứng dụng khoa học và công nghệ, sử dụng phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại; sử dụng thẻ, phù hiệu…
Đối với Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng, các biện pháp cảnh vệ gồm: bảo vệ tiếp cận; bố trí lực lượng đi trước nắm tình hình, khảo sát để xây dựng, triển khai phương án bảo vệ trong trường hợp cần thiết; ứng dụng khoa học và công nghệ, sử dụng phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại; sử dụng thẻ, phù hiệu…
Bổ sung 3 chức danh là đối tượng cảnh vệ
So với luật hiện hành, tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất bổ sung 3 chức danh vào nhóm đối tượng cảnh vệ gồm Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao.
Theo Bộ Công an, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử và kiểm sát hoạt động tố tụng.
Đặc thù công việc của 2 chức danh này liên quan trực tiếp đến việc chỉ đạo, tổ chức giải quyết các vụ án, vụ việc, xử lý vi phạm, tội phạm; do đó tiềm ẩn các yếu tố nguy hiểm, nguy cơ bị kẻ xấu đe dọa, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng là rất cao.
Chưa kể, trong xu hướng đẩy mạnh cải cách tư pháp và tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, tính chất công việc của 2 chức danh nêu trên ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường, đe dọa tính mạng, sức khỏe.
Ngoài ra, ngày 5.5.2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 35-KL/TW về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở. Kết luận đã bổ sung một số chức vụ, chức danh cấp cao như Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao thuộc nhóm các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bình luận (0)