Đề xuất cảnh sát biển có quyền xử phạt tàu cá khai thác hải sản trái phép

20/09/2022 19:35 GMT+7

Bộ NN-PTNT đang rà soát, sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, trong đó đề xuất cảnh sát biển có quyền xử phạt đối với tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp , không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).

Đó là thông tin chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU) và thực hiện các khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) để sớm gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam.

Cuộc họp diễn ra tại Văn phòng Chính phủ ngày 20.9, do Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), công tác thực thi pháp luật phòng chống khai thác IUU đến nay chưa thực hiện được mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2021 ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở các nước trong khu vực.

Thống kê từ đầu năm đến nay, các địa phương tiếp tục phát hiện 62 vụ, 85 tàu, với 704 ngư dân vi phạm. Trong đó, 43 vụ, 58 tàu với 440 ngư dân được xác định vi phạm vùng biển nước ngoài; 19 vụ với 27 tàu gồm 264 ngư dân bị bắt giữ, xử lý tại khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp, vùng nước lịch sử, khu vực bắt giữ, xử lý chưa rõ tọa độ.

Tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn tập trung chủ yếu tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ NN-PTNT sẽ đề xuất sửa Nghị định 42/2019/NĐ-CP cho phép lực lượng cảnh sát biển được xử phạt tàu cá vi phạm khai thác IUU

GIA HÂN

Cũng theo Tổng cục Thủy sản, phía EC khẳng định nếu không ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài sẽ không gỡ cảnh báo thẻ vàng.

Chia sẻ quan điểm tại cuộc họp, trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho rằng đi biển chỗ nào nhiều cá, vùng biển nào là của Việt Nam, chỗ nào của nước ngoài thì tài công (thuyền trưởng) phải biết rõ để không vi phạm. Nhưng hiện nay, chế tài xử phạt đối với các vi phạm không nghiêm, chỉ xử phạt hành chính và các địa phương chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ.

Dẫn chứng ở một số nước quy định pháp luật đều tập trung xử phạt tài công, nếu vi phạm sẽ bị phạt tù còn ngư dân chỉ phạt tiền, trung tướng Nguyễn Trọng Bình kiến nghị quy định pháp luật cần có chế tài mạnh, nghiêm khắc hơn với hành vi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc phòng chống khai thác IUU chưa đạt mục tiêu như mong muốn là việc xử lý vi phạm hành chính đối với tàu cá còn nhiều bất cập, khi có tàu cá vi phạm IUU thì có tỉnh xử phạt hành chính, có tỉnh chỉ lập biên bản, gọi đến nhắc nhở, không đủ sức răn đe.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NN-PTNT đang cho rà soát, sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, trong đó có đề xuất lực lượng cảnh sát biển cũng có quyền xử phạt đối với tàu cá vi phạm khai thác IUU.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.