Đề xuất cha mẹ đóng BHXH, con dưới 6 tuổi được trợ cấp

Thu Hằng
Thu Hằng
08/06/2021 06:23 GMT+7

Theo hồ sơ đề nghị xây dựng luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nhiều chính sách thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Một trong những điểm mới, đáng chú ý là việc đề xuất bổ sung quy định về chế độ trợ cấp trẻ em. Cụ thể, người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc nếu có con dưới 6 tuổi thì được hưởng trợ cấp hằng tháng tính trên mỗi con cho đến khi con đủ 6 tuổi. Giải pháp này, theo Bộ LĐ-TB-XH, nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách, tăng thêm quyền lợi ngắn hạn, trước mắt là để giữ người lao động (NLĐ), nhất là lao động trong độ tuổi nuôi con nhỏ ở lại hệ thống, hạn chế hưởng BHXH một lần.
Đây cũng là chế độ BHXH duy nhất mà Việt Nam chưa thực hiện nếu đối chiếu với Công ước số 102 (năm 1952) của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về các chế độ BHXH cơ bản.
Với đề xuất này, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra phương án thí điểm chế độ trợ cấp trẻ em hoặc bổ sung quy định về chế độ trợ cấp cho trẻ em là một trong các chế độ BHXH bắt buộc.
Bộ LĐ-TB-XH cho hay theo đánh giá tiềm năng hệ thống trợ cấp trẻ em đa tầng tại VN của ILO năm 2019, nếu quy định mỗi trẻ em dưới 15 tuổi là con của người tham gia BHXH được hưởng trợ cấp 350.000 đồng/tháng năm 2018, sau đó hằng năm điều chỉnh tăng dần theo lạm phát cho tới khi mức hưởng là 560.000 đồng/tháng năm 2030 thì cần quy định tỷ lệ đóng góp cho chế độ này là 3% trong giai đoạn 2018 - 2030. Trường hợp quy định độ tuổi trẻ em được hưởng trợ cấp là từ 0 đến dưới 6 tuổi, tỷ lệ đóng góp cần thiết là 1%. Dự kiến nếu thực hiện chính sách cho con được hưởng trợ cấp khi cha hoặc mẹ tham gia BHXH thì ngân sách nhà nước sẽ phải chi thêm khoảng 7.074 tỉ đồng/năm.
Liên quan hỗ trợ lao động nữ tham gia BHXH, Bộ LĐ-TB-XH còn đề xuất nghiên cứu bổ sung các quyền lợi ngắn hạn chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện. Theo đó, lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con được hưởng trợ cấp 2 triệu đồng cho một con mới sinh.
Trước đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH, bác sĩ Nguyễn Trọng An, chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, chia sẻ đây là chính sách nhân văn, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, hàng triệu NLĐ mất việc làm, buộc thôi việc và không có thu nhập.
Đánh giá về chủ trương rất đáng hoan nghênh vì chính sách nào có lợi cho người dân đều tốt, nhưng PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động xã hội, cho rằng đối tượng rút BHXH một lần không hẳn tất cả đều là những NLĐ trẻ đang nuôi con nhỏ, mà là những lao động tầm trên 35 - 40 tuổi.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, chính sách BHXH hiện hành chưa hướng đến bao phủ toàn dân; hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng và thiếu sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác nên diện bao phủ còn thấp. Tính đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH.
Ngoài đề xuất bổ sung chế độ trợ cấp trẻ em, trong lần sửa đổi luật BHXH lần này, Bộ LĐ-TB-XH còn đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng như: chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với NLĐ làm việc không trọn thời gian. Đồng thời, tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện, cụ thể: tăng mức hỗ trợ bằng 30% mức đóng BHXH tự nguyện tính trên thu nhập tháng bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (hiện hành là 10%).
“Về mặt giải pháp, hỗ trợ ai và hỗ trợ như thế nào cũng cần phải tính đến. Ngoài ra, để hạn chế NLĐ rút BHXH một lần, tốt nhất là chỉ cho rút phần của NLĐ đóng, còn phần doanh nghiệp đóng nên giữ lại trong quỹ BHXH để sau này NLĐ vẫn có cơ hội tham gia tiếp”, bà Hương góp ý.
Theo ông Nguyễn Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), hồ sơ sửa đổi luật BHXH đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng các phương án, xin ý kiến. Nếu được phê duyệt, cách thức triển khai sẽ được ban soạn thảo lên phương án cụ thể. Ông Nam cho biết hồ sơ sửa đổi luật BHXH đang gửi Bộ Tư pháp thẩm định, sau đó, Bộ LĐ-TB-XH sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xin ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.