Đề xuất chế độ 'bảo vệ đặc biệt' cho thêm một số chức danh

15/08/2016 10:31 GMT+7

Dự thảo luật Cảnh vệ bổ sung Bộ trưởng Bộ Ngoại giao , Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào đối tượng được cảnh vệ bảo vệ.

Đây là thông tin đáng chú ý trong dự luật Cảnh vệ được thảo luận lần đầu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) sáng nay, 15.8.
Tờ trình dự Luật do thượng tướng - Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình tại phiên họp lý giải: dự thảo Luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để phù hợp với tình hình hiện nay về công tác cảnh vệ.
Theo thượng tướng Tô Lâm, các đối tượng này là những người đứng đầu các cơ quan xét xử, kiểm sát hoạt động tố tụng và ngoại giao, với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao.
“Trong xu hướng đẩy mạnh cải cách tư pháp, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và mở rộng hợp tác quốc tế thì tính chất công việc của họ (các chức danh trên - PV) ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường, đe dọa tính mạng, sức khỏe của những người này. Vì vậy, cần phải áp dụng chế độ bảo vệ đặc biệt nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho họ”, thượng tướng Tô Lâm nói.
Theo quy định hiện hành, các đối tượng được áp dụng chế độ cảnh vệ gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; các nguyên: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Bộ Chính trị , Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch nước, Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội.
Đối tượng được áp dụng còn có khách quốc tế là người đừng đầu nhà nước, cơ quan lập pháp, chính phủ các nước đến thăm và làm việc tại Việt Nam...
Báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại Pháp lệnh hiện hành.
Lý do theo ông Việt, là nếu bổ sung các đối tượng trên thì một số chức danh Bộ trưởng khác như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an cũng có vị trí, tầm ảnh hưởng quan trọng phải được bổ sung.
“Như vậy sẽ tăng biên chế, cơ cấu, tổ chức của lực lượng cảnh vệ và làm cho dư luận quốc tế hiểu lầm vì an ninh, trật tự ở Việt Nam phức tạp nên phải mở rộng đối tượng cảnh vệ”, ông Việt nói.
Tránh lạm dụng quyền trưng dụng tài sản, phương tiện cho công tác cảnh vệ
Dự thảo Luật quy định trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ được huy động người, trưng dụng tài sản, phương tiện của lực lượng vũ trang, cơ quan, tổ chức, cá nhân để thực hiện công tác cảnh vệ. Theo Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cần rà soát lại quy định này, không được trái với Điều 24 luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.
Tại báo thẩm tra dự Luật, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, chỉ trong trường hợp cấp bách khi đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ thì lực lượng này mới được quyền huy động người, trưng dụng tài sản, phương tiện, nhưng phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, nên đề nghị nghiên cứu, thiết kế lại để quy định bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.