Đề xuất chi Quỹ bình ổn giá bù lỗ cho doanh nghiệp xăng dầu

24/10/2022 19:22 GMT+7

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề nghị chi Quỹ bình ổn, bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước khi dự báo trong quý 4 các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối vẫn lỗ hơn 1.000 đồng/lít.

6 tháng doanh nghiệp đầu mối lỗ 2.000 tỉ đồng

Đó là đề xuất của ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tại cuộc họp giữa Bộ Công thương với 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để đánh giá nguồn cung tiêu thụ trong nước cho những tháng cuối năm diễn ra hôm 23.10 tại Hà Nội.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc đứt gãy nguồn cung ở một số địa bàn, đặc biệt là quý 3, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, theo quy định của Nghị định 95, các doanh nghiệp đầu năm đăng ký theo sản lượng trung bình hoạt động của năm trước. Trong khi đó, năm 2021 và 2020 lại là năm diễn ra đại dịch nên sản lượng sụt giảm. Năm 2022 sản lượng bị thiếu hụt.

Nguyên nhân thứ hai là do tình hình địa chính trị, giá thế giới biến động rất lớn, mang tính chất dị biệt nên không có chính sách nào có thể bao phủ kịp.

Theo ông Bảo, trong 6 tháng đầu năm không có biến động lớn do vẫn còn lượng tồn kho. Bắt đầu đến quý 3, do giá xăng dầu đến đà suy giảm, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về chi phí. Đầu tiên là chi phí hoạt động lưu thông của xăng dầu, giúp hàng hóa được bán ra thị trường từ thương nhân phân phối, đến cửa hàng bán lẻ. Chi phí này đã được áp dụng suốt từ năm 2014 đến nay và chưa được sửa đổi dù đã kiến nghị đề xuất nhiều lần và theo quy định phải rà soát hằng năm. Thứ hai là chi phí tạo nguồn, đã được quy định tại các Nghị định 83, 95 gồm: giá cả thế giới, premium, phụ phí, chi phí đưa hàng từ nước ngoài về, kể cả chi phí nhập từ các nhà máy lọc dầu trong nước. Đây là vấn đề rất mới, bắt đầu thực hiện trong năm 2022.

Ông Bảo dẫn chứng, đối với chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng và premium trong nước, đáng lẽ phải được áp dụng từ ngày 11.7, nhưng đến ngày 11.10 mới được áp dụng, chậm đến 3 tháng. Dẫn đến trong quý 3, các doanh nghiệp lấy hàng trong nước thiếu tới 600 đồng/lít xăng.

Bộ Công thương yêu cầu doanh nghiệp đầu mối, thương nhân bảo đảm nguồn cung cho toàn quốc trong mọi hoàn cảnh

NGỌC DƯƠNG

Trong khi đó, chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng thời gian vừa qua biến động tăng rất cao. Việc điều chỉnh không sát thực tế nên các doanh nghiệp lỗ trong quý 3 tại khâu tạo nguồn khoảng hơn 2.000 tỉ đồng. Nhưng doanh nghiệp vẫn phải chịu để thực hiện theo đúng nhiệm vụ chính trị phân phối xăng dầu được giao.

Với khối lượng xăng dầu Bộ giao cho các doanh nghiệp, theo ông Bảo chắc chắn phải nhập thêm. Nhưng trong khi với giá cả tháng 11, 12 thì premium đang ở mức trên dưới 10 USD, doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít khiến họ không thể thực hiện được.

Ông Bùi Ngọc Bảo kiến nghị, để bảo đảm được cho các doanh nghiệp có khả năng nhập đúng tiến độ, số lượng xăng dầu do Bộ Công thương đề xuất thì phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước. Cụ thể, ông Bảo đề xuất lấy Quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.

Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đề xuất Bộ Công thương thống nhất với Bộ Tài chính thay vì 6 tháng rà soát các chi phí thay đổi 1 lần thì 3 tháng thay 1 lần để giảm đi chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho doanh nghiệp.

Trước đề xuất này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) trả lời: Việc trích sử dụng Quỹ bình ổn giá đã có một thông tư quy định và phải chi đúng mục đích. Nên đối với việc kiến nghị dùng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để chi cho chi phí tạo nguồn thì Bộ Công thương sẽ ghi nhận và trao đổi lại với Bộ Tài chính để thực thi đúng quy định.

Sẽ điều chỉnh phân giao tổng nguồn

Cũng theo ông Trần Duy Đông, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu trong năm 2022 được Bộ Công thương giao cho 36 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là trên 20,7 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.

Cho đến ngày 24.2, Bộ Công thương tiếp tục giao cho 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu tăng thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu trong nước không đạt kế hoạch, bảo đảm đủ nguồn xăng dầu.

Trong 9 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 17,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Trong đó nhiều đơn vị đã thực hiện tổng nguồn gần đạt, thậm chí vượt so với tổng nguồn tối thiểu được giao.

Ông Đông cho biết, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý 4, Bộ Công thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (bao gồm nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Theo đó, việc phân giao được thực hiện căn cứ vào tỷ trọng tổng nguồn đã phân giao đầu năm 2022 cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và đã có danh sách với số lượng hạn mức cụ thể đến từng thương nhân đầu mối.

Tuy nhiên trước ý kiến của đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ông Đông cũng cho biết, Bộ Công thương sẽ làm việc lại với doanh nghiệp để làm sao việc giao tổng nguồn khoa học và phù hợp nhất với điều kiện thực để đảm bảo đủ tổng nguồn phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong quý 4.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý 4/2022 phục vụ nhu cầu thị trường, Bộ Công thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (bao gồm nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, lượng xăng là 2.248.066 m3, bình quân 749.355 m3/tháng; Diesel: 3.133.149 m3, bình quân 1.044.383 m3/tháng; Ma-dút: 110.497 tấn; bình quân 36.832 tấn/tháng; Dầu hỏa: 8.287 m3, bình quân 2.762 m3/tháng. Tổng cộng lượng xăng dầu là 5.500.000 m3/tấn; bình quân 1.833.333 m3/tấn/tháng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.