Ngày 10.1, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Bệnh viện Chợ Rẫy giai đoạn 2018 - 2023. Tại cuộc giám sát này, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị cần chi trả cho bệnh nhân bảo hiểm y tế nhưng tự mua thuốc, vật tư y tế.
Đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân bảo hiểm y tế
Ông Tôn Văn Tài, Trưởng Đơn vị đấu thầu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong năm 2023 Bệnh viện Chợ Rẫy đấu thầu khoảng 200 gói thầu, tỷ lệ đấu thầu mua sắm hàng hóa thành công chỉ khoản 80%, vẫn còn khoảng 20% hàng hóa các loại không lựa chọn được nhà thầu. Trong đó có nguyên nhân như không có giấy lưu hành sản phẩm đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế nhóm C, nhóm D.
Do đó, ông Tài kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương cấp giấy lưu hành sản phẩm để bệnh viện mua cung ứng cho bệnh nhân nói chung và bệnh nhân bảo hiểm y tế nói riêng.
Ông Tài nhấn mạnh, vật tư y tế tiêu hao là loại hàng hóa đặc thù sử dụng trực tiếp cho bệnh nhân bảo hiểm y tế, nên yêu cầu kỹ thuật sử dụng đòi hỏi phải cụ thể, chi tiết tính năng kỹ thuật, chất liệu, nhưng nếu mô tả cụ thể thì lại được xem là hạn chế nhà thầu.
Do đó, ông Tài đề xuất đối với bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối thì được phép mô tả cụ thể chi tiết tính năng kỹ thuật, và cho phép được yêu cầu cung cấp hàng mẫu trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu để đánh giá đối chiếu với tài kiệu kỹ thuật của hàng hóa xem có đáp ứng với yêu cầu của bệnh viện trong điều trị cho bệnh nhân hay không.
Mặc khác, trong thực tiễn, sau khi trúng thầu thì có một số mặt hàng bị gián đoạn cung cấp hoặc hàng hóa không phù hợp với công tác điều trị buộc phải phạt hợp đồng và dừng hợp đồng để thực hiện đấu thầu lại. Gần đây nhất là các mặt hàng dây truyền máu, kim luồn, vôi sô đa...
Bệnh viện đã nhanh chóng tiến hành đấu thầu lại để lựa chọn được hàng hóa phục vụ điều trị bệnh nhân bảo hiểm y tế. Trong thời gian chờ đấu thầu lại, bệnh viện không có hàng hóa phục vụ bệnh nhân, có một số trường hợp phải cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế mua bên ngoài.
Với tình huống này, ông Tài kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành thông tư đề xuất cơ chế chi trả khi người có thẻ bảo hiểm y tế tự mua thuốc, vật tư trong việc đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Đấu thầu xong sợ bị gây khó dễ
Cũng theo đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện nay công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị, hóa chất xét nghiệm cung ứng cho bệnh nhân bảo hiểm y tế cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Như việc xây dựng yêu cầu kỹ thuật (cấu hình, chức năng, tính năng, thông số yêu cầu chuyên môn của người dùng) là khâu quan trọng nhất của gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, nhưng rất dễ bị gây "khó dễ" bởi thanh tra, điều tra vì cho rằng định hướng thầu, gây hạn chế nhà thầu, chỉ định thầu sai quy định. Trong khi chưa có văn bản quy phạm nào hướng dẫn cụ thể cách xây dựng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu.
Cũng chưa có quy định cụ thể về hình thức tham khảo cấu hình, chức năng, tính năng, thông số thiết bị y tế của các hãng, mức độ tham khảo và áp dụng đến đâu để không bị quy vào "định hướng thầu". Quy định các hãng thông tin công khai như thế nào...
Để giải quyết những hạn chế trên, ông Tài kiến nghị Bộ Y tế cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết cho việc xây dựng yêu cầu kỹ thuật (cấu hình, chức năng, tính năng, thông số chuyên môn) khi lập hồ sơ đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Trong đó cần quy định phạm vi được phép tham khảo tài liệu về thông tin thiết bị của các hãng và quy định các thiết bị đã công khai thông tin thì mới được tham dự thầu.
Đừng để bệnh viện công thua bệnh viện tư về trang thiết bị y tế
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin thêm, về máy móc thiết bị kỹ thuật cao, thông thường một thế hệ máy mới ra đời thì sau 5 - 10 năm, các hãng khác mới có thể ra đời máy có cấu hình, chức năng, tính năng, thông số tương tự. Hiện nay các bệnh viện rất e ngại khi đặt ra yêu cầu kỹ thuật của thiết bị mà chỉ 1 - 2 hãng đáp ứng được, dễ bị đặt dưới góc nhìn theo hướng "hạn chế nhà thầu", "chỉ định thầu sai quy định", bị đưa vào "tầm ngắm" của thanh tra, điều tra.
Để an toàn cho việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế thì các bệnh viện công chỉ dám đặt ra các cấu hình, chức năng, tính năng, thông số chuyên môn cơ bản, mang tính phổ biến, nhiều hãng đáp ứng được.
"Thực tiễn nếu như thế này thì viễn cảnh là càng ngày các bệnh viện công càng thua xa các bệnh viện tư về mức độ hiện đại của trang thiết bị y tế, khoảng cách từ 5 - 10 năm", bác sĩ Phạm Thanh Việt nói.
Bác sĩ Việt đề xuất đối với các thiết bị có cấu hình, chức năng, tính năng, thông số chuyên môn chuyên biệt, chỉ giới hạn 1 hoặc 2 hãng đáp ứng thì Bộ Y tế quản lý giá hoặc đàm phán giá tập trung (giống như đối với thuốc biệt dược trong thời gian độc quyền sản xuất).
Theo đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, luật Đấu thầu có hiệu lực từ 1.1.2024 nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật. Việc luật chậm đi vào cuộc sống hoặc không phù hợp với cuộc sống đồng nghĩa với quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh và người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế bị ảnh hưởng. Mặt khác, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật.
Chính vì thế, các cơ quan cần khẩn trương, chủ động ban hành nhanh chóng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn bảo đảm việc thi hành kịp thời, có hiệu quả của luật.
Bình luận (0)