'Giám đốc bệnh viện ở TP.HCM đau đầu vì bệnh nhân ở tỉnh đẩy lên'

Duy Tính
Duy Tính
13/10/2023 21:08 GMT+7

Các bệnh viện ở các tỉnh đấu thầu thuốc, vật tư y tế chậm hoặc không đấu thầu được thì sẽ đẩy bệnh nhân lên TP.HCM, điều này khiến các giám đốc bệnh viện tại TP.HCM cũng đau đầu.

Chiều 13.10, Sở Y tế TP.HCM tổ chức trực tuyến sơ kết công tác khám chữa bệnh 9 tháng năm 2023 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm. Tại cuộc họp này, Sở Y tế điểm danh các giám đốc bệnh viện ở đầu cầu.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM cho biết, 9 tháng năm 2023, BHXH ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với 188 cơ sở khám chữa bệnh, trong có có 91 cơ sở công lập. Ngoài ra còn có 162 trạm y tế khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Năm 2023, TP.HCM được Thủ tướng giao dự toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 21.097 tỉ đồng (tăng 1 tỉ đồng so với năm 2022). 9 tháng năm nay đã có gần 15 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó ngoại trú là 13,7 triệu lượt, nội trú là 1,3 triệu lượt.

Và TP.HCM cũng đã chi 16.429 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 2.200 tỉ đồng). Ước chi cả năm 2023 tại TP.HCM là 22.579 tỉ đồng, so với dự toán thì ước mất cân đối khoảng 1.400 tỉ đồng.

'Giám đốc bệnh viện ở TP.HCM đau đầu vì bệnh nhân ở tỉnh đẩy lên" - Ảnh 1.

Rất nhiều bệnh nhân ở các tỉnh đến TP.HCM khám chữa bệnh

DUY TÍNH

"BHXH TP.HCM đã làm việc với BHXH Việt Nam để xin Chính phủ bổ sung kinh phí cho TP.HCM, có thể xin tối đa 800 tỉ đồng, như vậy sẽ mất cân đối 600 – 700 tỉ đồng", bà Thu Hằng nói.

Nguyên nhân gia tăng chi phí được lãnh đạo BHXH TP.HCM lý giải là sau dịch Covid-19, số ca bệnh nặng tăng, số lượt khám chữa bệnh ngoại tỉnh tăng cao do thông tuyến huyện. Thực trạng là sáng hằng ngày có những xe khách chở bệnh nhân các tỉnh lên bệnh viện tại TP.HCM khám bệnh trong ngày và về. Một số tỉnh đấu thầu thuốc, vật tư y tế chậm, nên đẩy bệnh nhân lên TP.HCM. 

'Giám đốc bệnh viện ở TP.HCM đau đầu vì bệnh nhân ở tỉnh đẩy lên" - Ảnh 2.

Hằng ngày, nhiều xe khách đưa bệnh nhân ở các tỉnh đến TP.HCM khám chữa bệnh

DUY TÍNH

Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là một số bệnh viện chỉ định dịch vụ rộng rãi thuốc, vật tư y tế, nhập viện… Lãnh đạo BHXH TP.HCM đề nghị các bệnh viện kiểm soát dịch vụ, chi phí hợp lý trong thời gian tới.

Trước thực trạng trên, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, sau 2 năm dịch bệnh thì năm 2023 dự báo lượng khám chữa bệnh sẽ tăng. Nhưng lo vì chi phí dự báo sẽ vượt dự toán, nên các giám đốc bệnh viện phải rà soát kỹ.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, 3 tháng cuối năm, các giám đốc bệnh viện ở TP.HCM sẽ đau đầu vì bệnh nhân ở tỉnh sẽ đẩy lên, năm nào cũng vậy. Tuy nhiên, hiện người dân có bệnh thì mới lên TP.HCM khám chữa bệnh, không được từ chối và khi chẩn đoán ra bệnh, điều trị ổn thì chuyển bệnh nhân về tỉnh điều trị. Sở Y tế TP.HCM sẽ có văn bản gửi sở y tế các tỉnh về vấn đề này để phối hợp và chia sẻ với ngành y tế TP.HCM, vì giai đoạn cuối năm rất khó.

"Rất lo một số bệnh viện đến cuối năm mới giật mình xài lố bảo hiểm y tế, không có tiền bù lại. Sở Y tế giao Bệnh viện Nhi đồng 1 triển khai thí điểm phần mềm cảnh báo tài chính để nhân rộng cho các bệnh viện khác", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.

9 tháng năm 2023, TP.HCM "đối đầu" với các dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, đậu mùa khỉ... Tuy nhiên, TP.HCM đã chủ động phòng chống, đã giải mã gien vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ và đau mắt đỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.