Ngày 13.4, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn đầu đoàn công tác của Bộ LĐ-TB-XH làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận.
Tại buổi làm việc này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình đề nghị Bộ cho chủ trương để Trường CĐ nghề Ninh Thuận được liên kết với Tập đoàn giáo dục Spectrum (Malaysia) đào tạo ngành năng lượng tái tạo.
“Phía Tập đoàn giáo dục Spectrum đã đồng ý hợp tác. Nếu bây giờ mình có mã ngành thì việc tổ chức đào tạo được thực hiện ngay”, ông Lê văn Bình nói.
Theo ông Lê Văn Bình, lý do đề xuất mở ngành này vì hiện nay việc đào tạo lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) tại Việt Nam còn rất hạn chế, thậm chí hầu như chưa có trường ĐH, CĐ nào tại Việt Nam đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này.
tin liên quan
800 triệu USD phát triển công nghệ điện gióTheo ông Lê Văn Bình, hợp tác đào tạo để có nguồn nhân lực kỹ thuật cao, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đáp ứng nhu cầu thực tế vì Ninh Thuận được đánh giá là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; các dự án điện gió, điện mặt trời là bước đột phá, tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh. Ninh Thuận là tỉnh nghèo, trong số khoảng 600.000 dân có đến hơn 10% thuộc diện hộ nghèo; thu nhập bình quân tính theo đầu người khoảng 33 triệu đồng/người/năm (cả nước khoảng 50 triệu đồng/người/năm); thu ngân sách năm 2017 chỉ hơn 2.200 tỉ đồng, đáp ứng 1/3 nhu cầu chi ngân sách hàng năm của tỉnh. Cuối năm 2016, Quốc hội quyết định dừng dự án năng lượng hạt nhân tại Ninh Thuận. Tuy nhiên, định hướng năng lượng tái tạo của Ninh Thuận tiếp tục được xác định và thúc đẩy mạnh mẽ.
Hiện nay dự án điện gió Đầm Nại đầu tiên với tổng mức đầu tư 80 triệu USD tại tỉnh Ninh Thuận đã đi vào hoạt động. Theo khảo sát của Ngân hàng thế giới (WB), Ninh Thuận có 14 vùng gió tiềm năng, trải rộng trên 8.000 ha, lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6 m/s, bảo đảm ổn định cho turbine gió phát điện. Ninh Thuận còn là nơi nhận một lượng lớn bức xạ mặt trời với tổng số giờ nắng trung bình 2837,8 giờ/năm, cao nhất cả nước, phân bố tương đối điều hòa quanh năm, với diện tích gần 80 000 ha có tiềm năng phát triển điện mặt trời.
Theo báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2017 (hợp tác giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Năng lượng, hạ tầng kỹ thuật và môi trường Đan Mạch) công bố tháng 9.2017, nhu cầu năng lượng tăng mạnh, dự báo đến năm 2035 tổng nhu cầu tăng gấp gần 2,5 lần so với năm 2015. Nhu cầu điện dự kiến sẽ tăng bình quân gần 8%/năm cho đến năm 2035.
Công ty Navigos Group VN chuyên đánh giá về thị trường tuyển dụng lao động cũng đánh giá nhu cầu tiêu thụ điện cho sản xuất và sinh hoạt không ngừng tăng cao ở Việt Nam. Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, thị trường lao động trong ngành điện, năng lượng hứa hẹn sẽ khởi sắc.
Năm 2017 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời và điện gió. Trong năm này, có đến 9/17 dự án đầu tư về 2 loại năng lượng này triển khai xây dựng tại tỉnh Bình Thuận với tổng vốn đăng ký đầu tư 21.013 tỉ đồng. Tại Bình Định cũng khởi động dự án điện mặt trời và điện gió Fujiwara với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 63 triệu USD. Cùng với đó có 2 tỉ USD được đầu tư vào trang trại điện gió tại Sóc Trăng...
tin liên quan
Giúp học sinh chọn ngành phù hợpCũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đồng ý chủ trương theo đề nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận, cho phép Trường CĐ nghề Ninh Thuận được liên kết đào tạo ngành năng lượng tái tạo trong thời gian tới sau khi đề án cụ thể được hoàn chỉnh và thẩm định.
Bình luận (0)