Đề xuất đầu mối gỡ tắc cho hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc

09/03/2022 09:31 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi làm thủ tục xuất khẩu vào Trung Quốc và cần thống nhất đầu mối thông tin để Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc hỗ trợ xử lý.

Đó là kiến nghị của Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc gửi Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế ngày 8.3, để thống nhất các biện pháp tháo gỡ thủ tục đăng ký xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, khi nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thành đăng ký để được Hải quan Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.

Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi làm thủ tục đăng ký xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc

Vấn Tâm

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, từ ngày 1.1.2022, Trung Quốc đã áp dụng Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài (Lệnh 248) và Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Lệnh 249).

Trong các lệnh này, Trung Quốc quy định bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài xuất khẩu vào nước này phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc để được cấp mã số xuất khẩu.

Đến ngày 7.3, Việt Nam đã có 1.853 doanh nghiệp được Hải quan Trung Quốc cấp mã, đảm bảo xuất khấu nông sản, thực phẩm vào nước này. Nhưng trong thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã nhận được kiến nghị, phản ánh từ các bộ chức năng và doanh nghiệp về một số vấn đề vướng mắc, tồn tại trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.

Điển hình là một số vướng mắc như doanh nghiệp đã được cập nhật lên hệ thống nhưng chưa được cấp tài khoản truy cập; khi xử lý hồ sơ trên hệ thống đã thao tác đúng nhưng một số trường hợp không hiển thị; một số doanh nghiệp và sản phẩm chưa thể làm thủ tục xuất khẩu do hệ thống Hải quan Trung Quốc chưa hiển thị mã…

Để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong thực thi Lệnh 248 và Lệnh 249, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã có đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế rà soát lại số doanh nghiệp, các sản phẩm xuất khẩu, liệt kê cụ thể những khó khăn vướng mắc trong quá trình đăng ký.

Nhằm tránh tình trạng phản hồi không tập trung giữa các bộ như trong thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị các bộ thống nhất giao cho một đầu mối, cụ thể là đề xuất giao cho Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS) tập hợp thông tin từ các bộ, doanh nghiệp và gửi cho Đại sứ quán để làm việc với Hải quan Trung Quốc.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết: “Kiến nghị của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc là ý tưởng hay. Thông tin sẽ chuyên nghiệp và nhanh hơn. SPS Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận các phản hồi của các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong việc đăng ký thủ tục xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.