Theo đó, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị hiện nay còn thấp hơn so với quy định (tại Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn khác, con số này mới chỉ đạt từ 5 - 12% tùy theo từng khu vực trong khi theo yêu cầu là từ 16 - 26%).
Giao thông tại các đô thị lớn còn thường xuyên ùn tắc, trong đó do một phần hạ tầng chưa đầy đủ, đồng bộ; hệ thống đường tỉnh thiếu vốn đầu tư xây dựng, chất lượng còn hạn chế. Nguồn vốn cho đầu tư từ ngân sách đối với hạ tầng giao thông đường bộ còn chiếm tỷ trọng thấp.
Tỷ lệ các công trình hiện đại (như hệ thống đường cao tốc) còn thấp so với các nước trong khu vực. Quá trình đầu tư vào đường cao tốc khó kêu gọi các nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài, do hành lang pháp lý còn thiếu tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư...
Tránh chồng chéo, lãng phí giữa 2 luật
Dự thảo luật Đường bộ mới do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo sẽ bổ sung quy định quỹ đất giao thông; quy định về trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh; quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện...
Đặc biệt, bổ sung quy định thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác. Thanh toán điện tử để thanh toán phí sử dụng đường bộ và các loại phí, giá, tiền dịch vụ khác liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện.
Cho ý kiến thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn (tại khoản 2) cho phù hợp với chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn.
Về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, Ủy ban Quốc phòng An ninh cơ bản nhất trí quy định của dự thảo luật. Cơ quan thẩm tra cho rằng, việc quy định tỷ lệ quỹ đất tại các đô thị hiện hữu là không khả thi vì quy định này chỉ áp dụng với các đô thị xây dựng sau khi luật có hiệu lực. Việc áp dụng đối với các đô thị hiện hữu dẫn đến xáo trộn lớn về quy hoạch, xây dựng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và cần có nguồn lực tài chính đặc biệt lớn để thực hiện.
Đặc biệt, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa quy định: “Khi đầu tư xây dựng đường từ 4 làn xe trở lên phải xây dựng đường bên để phục vụ việc đi lại của người, phương tiện giao thông ở khu dân cư ven đường…” tại khoản 5 cho phù hợp với thực tiễn các loại đô thị...
Về trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh tại dự thảo luật Đường bộ, cơ quan thẩm tra cho rằng, luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo) cũng quy định trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh và trung tâm chỉ huy giao thông đều là nơi “thu thập, lưu trữ, phân tích và xử lý dữ liệu”.
Do đó, cần làm rõ chức năng của 2 trung tâm này, tránh trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ và lãng phí về nguồn lực, bảo đảm tính thống nhất giữa 2 dự thảo luật. Có ý kiến đề nghị quy định một trung tâm quản lý điều hành giao thông cấp quốc gia và cấp tỉnh. Chức năng khác thì bổ sung để dùng chung, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, tránh lãng phí.
Bình luận (0)