Đề xuất giảm mức phạt tù người dưới 18 tuổi, trừ khi giết người hoặc hiếp dâm

06/06/2024 07:19 GMT+7

TAND tối cao đề xuất giảm mức phạt tù với người dưới 18 tuổi phạm tội, trừ trường hợp thực hiện các hành vi liên quan đến giết người, hiếp dâm hoặc sản xuất trái phép ma túy.

Trong dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên, TAND tối cao - cơ quan soạn thảo - đề xuất giảm mức phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Theo đó, hình phạt tù cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi giảm từ 18 năm xuống 15 năm tù, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội giảm từ 12 năm xuống 9 năm tù.

Dự kiến tờ trình sẽ được Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày vào chiều nay 6.6. Đây cũng là lần đầu tiên dự án luật này được đưa ra thảo luận tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV.

Đề xuất giảm mức phạt tù người dưới 18 tuổi, trừ khi giết người hoặc hiếp dâm- Ảnh 1.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tại một phiên thảo luận của Quốc hội

GIA HÂN


Giảm mức phạt tù nhằm đề cao tính nhân văn

Lý giải về đề xuất trên, TAND tối cao cho hay, người chưa thành niên thuộc nhóm đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tình cảm, nhận thức; thiếu kiến thức xã hội, pháp luật; hành động cảm tính, bốc đồng, manh động; khó kiểm soát cảm xúc...

Đây cũng là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự.

Trong khi đó, quan điểm xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội tại Việt Nam vẫn còn nặng về răn đe và áp dụng hình phạt; chưa xác định việc trừng phạt chỉ nên được sử dụng như là biện pháp cuối cùng; chưa chú trọng tạo cơ hội cho người chưa thành niên phạm tội sửa chữa, cải thiện hành vi.

Theo TAND tối cao, việc giảm mức phạt tù với người dưới 18 tuổi phạm tội như đề xuất tại dự thảo sẽ khắc phục được hạn chế nêu trên, đề cao tính nhân văn.

Tuy nhiên, để không làm mất sự nghiêm minh của chính sách hình phạt, dự thảo quy định 5 tội danh nếu người dưới 18 tuổi thực hiện thì không được giảm mức phạt tù (sẽ áp dụng như quy định hiện hành tại bộ luật Hình sự năm 2015).

Những tội này gồm: giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, sản xuất trái phép chất ma túy.

Đề xuất giảm mức phạt tù người dưới 18 tuổi, trừ khi giết người hoặc hiếp dâm- Ảnh 2.

Các đại biểu tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV

GIA HÂN

12 biện pháp xử lý chuyển hướng

Ngoài đề xuất giảm mức phạt tù, dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên còn bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo cho người dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Đồng thời giảm thời gian thử thách khi được hưởng án treo xuống không quá 3 năm.

Dự thảo còn đề xuất mở rộng đối tượng người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng thì cũng có thể áp dụng hình phạt tiền. Hoặc cha mẹ, người thân thích của người chưa thành niên có tài sản và tự nguyện thực hiện. Mức tiền phạt không quá một phần ba điều luật quy định.

Một nội dung quan trọng khác tại dự thảo luật là quy định về xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, áp dụng với các trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

TAND tối cao đề xuất 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, gồm: khiển trách, xin lỗi bị hại, bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Cùng với đó là cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; hạn chế khung giờ đi lại; cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới.

3 biện pháp còn lại là giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình; giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Phải tách vụ án nếu có người dưới 18 tuổi phạm tội?

Vẫn theo dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên, TAND tối cao đề xuất bổ sung và hoàn thiện nhiều quy định về tố tụng thân thiện đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Trong đó, quy trình khởi tố, điều tra, truy tố phải được tiến hành trong môi trường thân thiện, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, bí mật cá nhân, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội.

Vụ án hình sự có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người đã thành niên thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tách vụ án hình sự đối với người chưa thành niên để giải quyết vụ án độc lập.

Các thông tin có liên quan đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên phải được giữ kín, không cung cấp công khai.

Ngoài ra, vụ án hình sự về người chưa thành niên được xét xử trong phòng xử án thân thiện; khi xét xử không còng tay hoặc sử dụng các phương tiện cưỡng chế khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.