Góp ý cho dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không đề nghị giảm sâu hơn mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay xuống còn 900 đồng/lít, hoặc giảm xuống 1.500 đồng/lít, tương đương với 50% mức thuế hiện hành (theo điều 1 của dự thảo chỉ giảm xuống còn 2.100 đồng/lít).
Thời hạn áp dụng mức thuế mới theo đề xuất là 1 năm, kể từ ngày ký. Hiệp hội cũng đề nghị sớm quyết định để áp dụng mức thuế mới từ 1.7.2020. Lý do là trong thời gian qua, các doanh nghiệp hàng không thua lỗ, các khoản nợ còn đang khá lớn. Việc áp dụng mức thuế sớm hơn sẽ giúp các doanh nghiệp giảm nợ, từ đó cải thiện sự cân đối dòng tiền và tính thanh khoản của doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không, mức giảm này thực chất thấp hơn so với một số nước trong khu vực (Trung Quốc và Úc miễn toàn bộ thuế tiêu thụ nhiên liệu, Ấn Độ tạm dừng hầu hết các loại thuế trong ngành hàng không, Thái Lan giảm tới 96% thuế môi trường đối với nhiên liệu bay từ 6.2 tới 30.9.2020).
Trước đó, Bộ Tài chính đã gửi công văn lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan về dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Theo đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội xem xét, quyết định việc quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế hiện hành.
Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và được áp dụng đến hết 31.12.2020. Kể từ ngày 1.1.2021, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay tiếp tục áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế bảo vệ môi trường.
Bình luận (0)