Cái giảm cái không, doanh nghiệp cũng mệt
Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) vừa có công văn góp ý về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Tài chính. Theo VCCI, sau khi tham vấn một số doanh nghiệp (DN) và chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô của VN trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 được dự báo chỉ ở mức trên 5%, đây là mức tương đối thấp trong nhiều thập niên qua (trừ 2 năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Tình trạng khó khăn này được dự đoán sẽ tiếp tục trong giai đoạn đầu năm 2024 khi kinh tế thế giới chưa kịp phục hồi và kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề. Do đó, việc nới lỏng chính sách tài khóa, thông qua việc tiếp tục giảm thuế VAT vào thời điểm này là hết sức cần thiết, góp phần hỗ trợ DN lấy lại đà tăng trưởng, tạo việc làm.
Đại diện VCCI nhấn mạnh biện pháp giảm thuế VAT đã được thực hiện trong 2 năm 2022, 2023, mang lại nhiều tác động tích cực đối với các DN và nền kinh tế, đặc biệt là giúp tăng tiêu dùng nội địa trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của VCCI, các DN cũng gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022 và Nghị định 44/2023 hướng dẫn thực hiện nhưng trên thực tế, việc phân loại hàng hóa, dịch vụ vào các mức thuế suất khác nhau vẫn còn nhiều lúng túng.
Nhiều trường hợp DN tra cứu phụ lục của 2 nghị định nói trên nhưng vẫn không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%. Văn bản của VCCI nêu rõ: "Nhiều DN hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan nhưng các cơ quan này cũng không dám khẳng định cho DN vì sợ sai. Nhiều DN phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới. Có DN phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng. Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8% trong 6 tháng đầu năm 2024".
Đồng tình, chuyên gia kinh tế - thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng nên mở rộng giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể, Quốc hội nên giảm thuế VAT ở mức 5% cho tất cả hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%. Theo ông Phú, thời gian qua, việc giảm thuế VAT 2% chưa đủ sức lan tỏa. Hầu như chỉ ở các siêu thị, trung tâm thương mại hoặc cửa hàng lớn mới áp dụng còn đại đa số người mua hàng hóa ở chợ truyền thống thì không được hưởng chính sách này vì người bán không xuất hóa đơn thuế VAT. Vì vậy, việc giảm thuế VAT ở mức 5% sẽ sâu rộng hơn, thật sự có tác động đến giá hàng hóa trên cả nước. "Nới cái này sẽ không thiệt. Tiêu dùng tăng thì sản xuất nhiều hơn, các loại thuế phí khác cũng sẽ thu được nhiều hơn. Đồng thời, xuất khẩu cũng có cơ hội gia tăng thì sẽ thu được nhiều ngoại tệ và cả thuế xuất nhập khẩu cũng cao hơn. Chính sách này cũng góp phần nuôi dưỡng nguồn thu và có lợi ích cho lâu dài đối với cả nền kinh tế nói chung", chuyên gia Vũ Vinh Phú chia sẻ.
Kéo dài thời gian giảm thuế hết năm 2024
Bày tỏ ủng hộ đề xuất của VCCI, TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nhận định: Trong cả nền kinh tế, ngành này sẽ là đầu vào của ngành kia và ngược lại. Bản chất thuế VAT thì các DN sẽ được khấu trừ tương ứng đầu vào với đầu ra, nhưng nếu được giảm VAT của tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ thì nhiều DN sản xuất, kinh doanh cũng sẽ giảm được chi phí trung gian. Đồng thời, chính sách giảm thuế nên kéo dài hết năm tài khóa 2024. Bởi dự báo cho thấy kinh tế thế giới chưa hết khó khăn và thậm chí năm sau vẫn còn khó hơn, nhiều yếu tố khó lường. TS Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh: Mục tiêu giảm thuế là để kích thích tiêu dùng, thúc đẩy cả nền kinh tế tăng trưởng nên không phân biệt các ngành như một số chính sách ưu đãi. Không nên lo sợ hụt thu ngân sách vì khi kinh tế phục hồi và tăng trưởng cao thì chắc chắn các nguồn thu khác sẽ tăng theo.
Chẳng hạn người lao động có việc làm, thu nhập không giảm thì nhiều người sẽ đóng thuế thu nhập cá nhân. DN có lãi thì thuế thu nhập DN sẽ gia tăng. "Theo nghiên cứu chung, những quốc gia có mức thuế suất thấp thì thường nguồn thu thuế sẽ nhiều vì DN, người dân không tìm cách trốn thuế hoặc chuyển sang những quốc gia có thuế suất thấp hơn để hoạt động. Chính sách thuế vừa là công cụ điều tiết vừa là công cụ kích thích cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và từ đó sẽ tạo thêm nguồn thu cho nhà nước", TS Huỳnh Thanh Điền chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia về thuế, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho hay việc phân biệt nhóm hàng hóa được giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% quả thực gây lúng túng cho rất nhiều công ty. Điều này cũng khiến các DN không mặn mà thực hiện và từ đó chính sách giảm thuế này không đến được tay người tiêu dùng như mục tiêu. Lợi ích lớn nhất của việc giảm thuế là để giảm giá hàng hóa đến tay người dân, góp phần tăng sức mua, kích thích sản xuất trong nước khi thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn. Nếu như được áp dụng đồng loạt cho tất cả hàng hóa thì DN sẽ dễ dàng thực hiện và chắc chắn hiệu quả sẽ lan rộng hơn.
Không chỉ vậy, Chính phủ cần đề xuất để Quốc hội thông qua việc áp dụng chính sách giảm thuế VAT cho cả năm 2024 để thuận lợi cho hoạt động của DN và hỗ trợ người dân; từ đó góp phần thúc đẩy gia tăng sản xuất, phục hồi kinh tế. Theo luật sư Trần Xoa, Bộ Tài chính là cơ quan có số liệu ước tính được số thu sẽ giảm xuống ở mức nào nhưng nếu được Quốc hội thông qua trước khi quyết định mức thu, chi của ngân sách quốc gia năm 2024 thì sẽ không gây áp lực với Bộ Tài chính về nguồn thu trong năm tới. Hơn nữa, việc kích thích tiêu dùng, sản xuất gia tăng thì chắc chắn ngân sách sẽ gia tăng được các khoản thu khác.
Hiện nay, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đang được áp dụng đến hết ngày 31.12.2023 cho hàng hóa, dịch vụ, ngoại trừ các nhóm hàng gồm: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10.2023 tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước. So với tháng 12.2022, CPI tháng 10 tăng 3,2% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,59%. Bình quân 10 tháng năm 2023, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,38%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 536.300 tỉ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt hơn 5,105 triệu tỉ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (nhưng cùng kỳ năm 2022 tăng 20,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,7%).
Bình luận (0)