Đề xuất giao quyền ban hành văn bản pháp luật cho cấp huyện, xã

22/05/2015 17:25 GMT+7

(TNO) Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi tại phiên thảo luận ở Quốc hội chiều nay 22.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành giao quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho cấp huyện, xã.

(TNO) Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi tại phiên thảo luận ở Quốc hội chiều nay 22.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành giao quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho cấp huyện, xã.

phan-trung-lyChủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý - Ảnh: Ngọc Thắng
Đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như cơ quan chủ trì thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã, qua thảo luận của đại biểu cho thấy có 2 nhóm ý kiến: tán thành và không tán thành.
Theo đó, loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị không quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bởi thực tế thời gian qua ở nhiều địa phương đã không ban hành, hoặc nếu ban hành thường sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí là không phù hợp với văn bản của cơ quan cấp trên.
Theo ông Lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành loại ý kiến thứ nhất, vì cho rằng, để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp với đặc điểm của địa phương thì việc giao cho các cấp chính quyền này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã như thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo luật đã được chỉnh lý quy định rõ phạm vi, thẩm quyền và hình thức văn bản; quy định chặt chẽ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cấp chính quyền này.
Do đây là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên dù nghiêng hẳn về loại ý kiến thứ nhất, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục thảo luận cho ý kiến.
Bảo đảm phát huy sáng kiến về luật của đại biểu
Liên quan đến quy định tại Điều 31 của dự luật sửa đổi về kiến nghị về luật, pháp lệnh, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội, ông Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội. Có ý kiến đề nghị quy định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm và tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.
Tiếp thu ý kiến đóng góp trên, dự luật sửa đổi bổ sung quy định tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu Quốc hội trong quá trình lập văn bản kiến nghị về luật, pháp lệnh, hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.
Theo đó, đại biểu Quốc hội có quyền tự mình hoặc đề nghị Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hỗ trợ trong việc lập văn bản kiến nghị về luật, pháp lệnh, hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.
Bên cạnh đó, dự luật này cũng quy định rõ trách nhiệm của Văn phòng Quốc hội trong việc bảo đảm điều kiện cần thiết để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.
Theo dự luật, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội phải dựa trên các căn cứ là đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; kết quả tổng kết thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến các chính sách của dự án luật, pháp lệnh.
Đồng thời, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh cũng phải căn cứ trên yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh và các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.