Đề xuất giáo viên, học sinh là F1 đi dạy, đi học: Các trường nói gì?

Bích Thanh
Bích Thanh
23/03/2022 14:49 GMT+7

Nếu đề xuất cho giáo viên, học sinh là F1 vào lớp dạy và học thì các trường sẽ đồng tình hay phản đối?

Sở GD-ĐT tính toán để đề xuất cho học sinh là F1 đi học trực tiếp

BÍCH THANH

Không có giáo viên thay thế

Trước thông tin của Sở GD-ĐT TP.HCM về việc sở này sẽ phối hợp với Sở Y tế bàn bạc để đề xuất cho giáo viên, học sinh là F1 đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 được đi dạy và đi học, lãnh đạo các trường đã bày tỏ quan điểm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức), nêu ý kiến: "Trong bối cảnh giáo viên liên tục nhiễm bệnh và rơi vào tình trạng thường xuyên là F1, theo quy định phải thực hiện cách ly y tế nên trường học không có lực lượng thay thế. Tuyển giáo viên là tuyển đủ chứ không có dư biên chế để phụ trợ cho việc xử lý tình huống F1, F0. Còn nếu chúng tôi cứ chuyển qua dạy trực tuyến thì không hiệu quả như trực tiếp".

Bà Trúc cũng nói, hiện nay chỉ với việc giáo viên là F0, thực hiện cách ly y tế, điều trị thì đã không có lực lượng giáo viên thay thế chứ đừng nói là F1. "Với tình hình này, chúng ta phải thích ứng, thích nghi. Giáo viên, học sinh F1 khi đã tiêm vắc xin thì vẫn có thể đảm bảo việc dạy và học. Hầu hết giáo viên đều đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin, còn học sinh từ 12 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi nên tôi nghĩ rằng đề xuất trên là phù hợp".

Giáo viên nhiễm bệnh và thường xuyên là F1 phải cách ly y tế nên trường học thiếu giáo viên để hỗ trợ

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì lưu ý việc xác định F1 hiện nay đã chặt chẽ hơn so với những quy định trước đây. Cụ thể, phải tiếp xúc không khẩu trang hoặc trong gia đình ăn chung, sinh hoạt chung chứ không phải cứ ngồi gần F0 là F1.

Theo bà Trúc, nếu giáo viên, học sinh F1 được phép vào lớp thì nhà trường nên bố trí học sinh ngồi bàn riêng, nhắc nhở các em hạn chế tiếp xúc. Nhà trường sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh để hướng dẫn học sinh chi tiết, cụ thể.

Cần có tiêu chí cụ thể

Nói về xuất của Sở GD-ĐT và Sở Y tế, bà Đinh Thiên Ân, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), cho rằng đây là quy định mở nhưng phải kèm theo điều kiện ràng buộc và tiêu chí cụ thể. "Tôi cũng mong phụ huynh học sinh thấu hiểu và thích ứng linh hoạt nhưng mỗi người phải chung tay, trách nhiệm chứ không tính chuyện hên xui”, bà Ân lưu ý.

Cần có quy định cụ thể để học sinh là F1 được đến trường

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bà Ân đồng thời nêu ra một số trường hợp giáo viên hay học sinh là F1 để nhà trường có thể xử lý, cùng lúc áp dụng quy định linh hoạt.

"Trường hợp giáo viên là F1 của F0 trong gia đình thì họ phải chăm sóc người thân. Vì thế, những thầy cô này không thể đến lớp được nên báo nghỉ để nhà trường, tổ chuyên môn hỗ trợ, giải quyết cân bằng có lý có tình chứ không cứ đưa văn bản, quy định F1 phải đi làm ra để áp dụng một cách máy móc", bà Ân lưu ý.

Bà Ân nói thêm: “Có những gia đình đơn chiếc, có đối tượng yếu thế, có bệnh nền… Nếu chúng ta áp dụng cứng nhắc quy định F1 cũng vào lớp thì có nguy cơ thầy cô đi dạy mà trong lòng lo lắng thì việc dạy cũng không hiệu quả”.

Đối với học sinh, hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa cũng nhấn mạnh, nếu triển khai thì nhà trường sẽ phải làm việc rất kỹ với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh vì không thể chủ quan. Bởi lẽ học sinh là F1 trong gia đình cũng sẽ khác với F1 được ghi nhận ở trên lớp.

Cụ thể, F1 trong gia đình phải cam kết sinh hoạt thành viên trong gia đình đeo khẩu trang 100% vì ở nhà nhiều khi không tuân thủ, tiếp xúc gần, ăn uống, sinh hoạt chung một cách thoải mái. Nên có thể dẫn đến trẻ trong gia đình từ F1 thành F0, nếu đến lớp sẽ ảnh hưởng đến các bạn khác. Còn nếu gia đình không thể đảm bảo, không gian chật chội, không có không gian riêng thì vẫn có thể cho học sinh ở nhà và tham gia tiết học trực tuyến. Hiện tại nhà trường vẫn thực hiện song song 2 hình thức học tập để đáp ứng nhu cầu thực tế trong bối cảnh dịch bệnh.

Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa cũng bày tỏ ý kiến, khi chủ trương này được đưa ra để thực hiện tức là các cơ quan chuyên môn đã có những tính toán, đánh giá dịch Covid-19 tại TP.HCM sao cho đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên vào ngày 22.3, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay Sở GD-ĐT và Sở Y tế đang bàn bạc, xem xét cơ sở pháp lý để đề xuất với UBND TP.HCM cho phép học sinh là F1, đã tiêm vắc xin được đến trường học trực tiếp.

“Trên cơ sở đảm bảo an toàn sức khỏe cao nhất cho học sinh, chúng tôi có những đề xuất làm sao cho học sinh là F1, đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 được đến trường học trực tiếp với những quy định cụ thể, chứ không phải cứ F1 là được đi học hết”, ông Dũng nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.