Đề xuất hàng loạt quy định mới về hoạt động công chứng, chứng thực

06/07/2023 15:54 GMT+7

Bộ Tư pháp đề xuất xây dựng luật sửa đổi, với hàng loạt quy định mới liên quan đến hoạt động công chứng, chứng thực.



Bộ Tư pháp vừa công bố dự thảo luật Công chứng (sửa đổi), để lấy ý kiến đóng góp của người dân, cơ quan, tổ chức. Dự án luật này được đánh giá có nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung mang tính toàn diện về hoạt động công chứng, so với quy định hiện hành tại luật Công chứng năm 2014.

Đề xuất hàng loạt quy định mới về hoạt động công chứng, chứng thực - Ảnh 1.

Bộ Tư pháp đề xuất hàng loạt quy định mới liên quan đến hoạt động công chứng, chứng thực

NHẬT THỊNH

Tách bạch giữa công chứng và chứng thực

Theo Bộ Tư pháp, luật Công chứng năm 2014 còn thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng tại Việt Nam là công chứng nội dung (xác định tính hợp pháp, tính xác thực của hợp đồng, giao dịch). Việc xác định bản dịch thuộc phạm vi công chứng còn chưa đúng bản chất công chứng vì thực chất đây là việc thuộc phạm vi chứng thực - chứng thực chữ ký người dịch.

Do đó, dự thảo luật đề xuất quy định rõ khái niệm công chứng là việc công chứng viên (CCV) chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Đồng nghĩa, việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi khái niệm công chứng.

Hoạt động chứng nhận bản dịch sẽ được giao cho CCV thực hiện chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực, thay vì theo trình tự, thủ tục công chứng như bấy lâu nay.

Như vậy, bên cạnh nghĩa vụ hành nghề công chứng thì CCV có thẩm quyền thực hiện 3 loại việc chứng thực là chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký cá nhân và chứng thực chữ ký người dịch.

Tuy nhiên, nếu một CCV chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được coi là hành nghề công chứng; mà bắt buộc phải thực hiện chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch như đã nêu.

UBND cấp xã sẽ không còn chứng thực hợp đồng, giao dịch

Một nội dung đáng chú ý, đó là dự thảo quy định đối với những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng thì việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch sẽ do các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.

Tại những địa phương này, phòng tư pháp và UBND cấp xã sẽ không chứng thực hợp đồng, giao dịch như hiện nay nữa.

Thẩm quyền được giao cho UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương để bảo đảm tính khả thi, vừa đẩy mạnh phát triển hoạt động công chứng, vừa giảm tải cho cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện, cấp xã.

Đề xuất hàng loạt quy định mới về hoạt động công chứng, chứng thực - Ảnh 2.

Người dân tại Hà Nội đến trụ sở UBND phường làm thủ tục hành chính

PHÚC BÌNH

Đề xuất trên của dự thảo được kỳ vọng sẽ khắc phục sự chồng chéo giữa hoạt động công chứng của tổ chức hành nghề công chứng và chứng thực của phòng tư pháp hoặc UBND cấp xã. Lấy ví dụ, cùng là chứng nhận một giao dịch, nhưng với công chứng viên làm thì gọi là công chứng, còn với trưởng phòng tư pháp hoặc chủ tịch UBND cấp xã làm thì gọi là chứng thực.

Việc tồn tại song song 2 hệ thống này có thể gây lãng phí nguồn lực, dẫn đến tình trạng không ít tài sản được chuyển dịch nhiều lần tại cùng thời điểm mà không phát hiện ra.

Bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm

Vẫn theo Bộ Tư pháp, chất lượng đội ngũ CCV hiện nay chưa đồng đều, một bộ phận CCV còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận… Những hạn chế này gây ảnh hưởng đến hình ảnh của nghề công chứng và uy tín của đội ngũ CCV trong xã hội.

Vì vậy, bên cạnh việc kế thừa các quy định hiện hành, dự thảo luật bổ sung một số hành vi nghiêm cấm đối với CCV.

Trong đó, CCV không được cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để đăng ký hành nghề công chứng, đề nghị thành lập, nhận chuyển nhượng hoặc đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng.

CCV cũng không được đầu tư toàn bộ hoặc góp vốn với CCV khác để thành lập, duy trì hoạt động của văn phòng công chứng nhưng không tham gia hợp danh vào văn phòng công chứng; góp vốn, nhận vốn góp, hợp tác với tổ chức, cá nhân không phải là CCV để thành lập, duy trì hoạt động của văn phòng công chứng.

Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất nhiều quy định mới liên quan đến việc đào tạo, bổ nhiệm, điều kiện hành nghề… của CCV.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.