Đề xuất hỗ trợ 1.700 tỉ đồng giúp doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19

Lê Quân
Lê Quân
20/04/2020 18:21 GMT+7

Để giúp doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh Covid-19 , Bộ TN-MT đề xuất hỗ trợ khoảng 1.200 tỉ đồng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, 5.000 tỉ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) mới có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề nghị xem xét bổ sung vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Bộ TN-MT cho biết, Chính phủ đã giao các bộ, ngành nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho dự thảo nghị quyết của Chính phủ, nhất là về việc đẩy nhanh rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút các nguồn lực phát triển đất nước.

Đề nghị giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp 

Theo đó, Bộ TN-MT đề xuất miễn giảm phí thẩm định cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phí khai thác dự liệu khí tượng thủy văn; gia hạn nộp tiền thuê đất 1 năm.
Bộ TN-MT cũng đề nghị đưa vào nghị quyết giao Bộ TN-MT, Bộ Tài chính bổ sung quy định về giảm tiền thuê đất trong thời gian 6 tháng hoặc 1 năm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch vào Nghị định sửa đổi bổ sung các nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai. Quy định này nhằm cắt giảm chi phí thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng, dừng sản xuất do dịch bệnh Covid-19.
Bộ TN-MT đề nghị giao Bộ TN-MT cùng với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất, kinh doanh trong năm 2020. Khoản miễn giảm này ước tính khoảng 1.200 tỉ đồng, chủ yếu đối với các nhà máy thủy điện, nhà máy nhiệt điện sử dụng nước để làm mát nhằm giảm giá điện cho sinh hoạt, sản xuất và hỗ trợ khó khăn đối với các cơ sở có khai thác, sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
Gia hạn thu nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2020 (khoảng 5.000 tỉ đồng); giảm mức phí môi trường cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020.

Đề nghị cho xuất khẩu khoáng sản ở biên giới

Bộ TN-MT cũng đề xuất giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT rà soát quy hoạch các loại khoáng sản chiến lược tập trung khai thác gắn với chế biến, xác định các khu vực dự trữ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu một số loại khoáng sản: khoảng sản có quy mô nhỏ lẻ như sắt, bauxit… ở các khu vực biên giới; đá khối trắng, đá ốp lát sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước; một số loại khoáng sản trên mặt như cát trắng thạch anh được khai thác thu hồi từ các dự án phát triển kinh tế - xã hội để bù thu ngân sách.
Về tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để chuẩn bị các điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển đất nước, Bộ TN-MT đề xuất được thực hiện các nhiệm vụ: trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai, trong đó quy định việc giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư được miễn tiền thuê đất (bao gồm cả miễn tiền cho cả thời gian thuê, hoặc miễn tiền thuê đất trong một số năm; trừ trường hợp miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản) và quy định xử lý đối với trường hợp dự án có diện tích đất công xen kẽ để thúc đẩy thu hút đầu tư và tháo gỡ vướng mắc của các địa phương.
Bộ TN-MT cũng đề xuất được phối hợp với các Bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng để hướng dẫn các địa phương quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhà ở theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về đất đai đối với trường hợp chủ đầu tư đã có quyền sử dụng đất hợp pháp, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy định phải có đất ở hợp pháp mới được công nhận là chủ đầu tư theo luật Nhà ở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.