Để xuất khẩu nông sản bền vững

23/08/2024 04:12 GMT+7

Xuất khẩu rau quả nói chung và sầu riêng, dừa tươi nói riêng đang đứng trước cơ hội lớn khi cánh cửa thị trường Trung Quốc tiếp tục rộng mở. Thế nhưng bên cạnh niềm vui thì nỗi lo trồng chặt, chặt trồng vẫn ám ảnh ngành nông nghiệp nội địa.

Ở thời điểm hiện tại, tình trạng chặt các loại hoa màu khác để trồng sầu riêng vẫn diễn ra. Ngay cả với những loại nông sản tăng giá kỷ lục như tiêu, điều cũng không giữ chân được người nông dân khi lợi nhuận từ sầu riêng quá lớn. Bất chấp những cảnh báo dư cung, bất chấp những bài học giải cứu diễn ra nhan nhản trước đó..., cơn sốt trồng sầu riêng vẫn đang lan rộng. Chỉ trong 8 năm, đặc biệt là 2 năm gần đây tính từ khi Trung Quốc mở cửa với trái sầu riêng tươi VN, diện tích trồng loại trái cây tỉ USD này đã gấp 5 - 6 lần, phá vỡ mọi quy hoạch. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nếu năm 2015 tổng diện tích sầu riêng cả nước mới chỉ 32.000 ha thì tới năm 2023 đã lên hơn 150.000 ha, tương ứng với sản lượng sầu riêng tăng từ 366.000 tấn lên hơn 1,2 triệu tấn.

Giờ cánh cửa xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc lại tiếp tục mở rộng với sản phẩm đông lạnh thì gần như chắc chắn, cơn lốc trồng - chặt sẽ gia tăng. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây cũng thừa nhận, ông cảm thấy "đắng lòng" trước cảnh người dân chặt điều trồng sầu riêng ở Bình Phước. Dù đến thời điểm này, những người trồng sầu riêng đa phần đang thắng lớn nhưng nỗi lo vẫn chưa bao giờ thôi ám ảnh cơ quan quản lý cũng như chính quyền các địa phương suốt mấy năm qua.

Lo ở đây không chỉ là dung lượng thị trường mà là kiểm soát chất lượng từ vườn trồng đến bàn ăn. Chúng ta đều biết, thị trường Trung Quốc, đang chiếm tới 90% sản lượng sầu riêng xuất khẩu của VN, đã và đang ngày càng khó tính, ngày càng yêu cầu rất cao. Vì thế cánh cửa mở càng lớn thì việc quản lý càng khó. Thời gian qua, đã có một số vụ vi phạm về mã vùng trồng, về dư lượng thuốc trong sầu riêng xuất khẩu bị nước bạn trả về. Dù chỉ là số ít nhưng nếu không kiểm soát thật chặt, xử lý thật nghiêm thì rủi ro sẽ khó lường. Tương tự về dung lượng, dù nhu cầu của thị trường Trung Quốc rất lớn nhưng ngoài VN còn có một số nước khác cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vào đây. Rồi cũng phải tính tới kịch bản thói quen tiêu dùng thay đổi, ăn mãi một món thì dù sơn hào hải vị cũng sẽ chán, muốn ăn món khác. Nếu dồn hết vào sầu riêng lúc này, tới lúc đó "dội chợ" thì tính sao?

Trong khi ở chiều ngược lại, nhiều loại rau quả, nông sản khác cũng đang rất tốt cả về lượng lẫn giá. Chỉ 6 tháng đầu năm, Hàn Quốc đã chi tới 4.100 tỉ đồng mua rau quả từ VN, tăng 55% so với cùng kỳ, tập trung vào chuối, xoài, thanh long, dưa hấu, bưởi... Mỹ cũng chi tới 150 triệu USD, tương đương gần 4.000 tỉ đồng, nhập rau quả từ nước ta. Ngay cả Trung Quốc, ngoài sầu riêng, thị trường này cũng là "vựa nhập khẩu" dưa hấu, măng cụt, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít. Nếu xuất khẩu sầu riêng đang hướng tới mốc kỷ lục 3 tỉ USD thì xuất khẩu điều mục tiêu là 3,8 tỉ USD, cà phê kỳ vọng 6 tỉ USD... trong năm nay. Có thể thấy, cơ hội rất nhiều, rất đa dạng chứ không chỉ sầu riêng.

Sầu riêng Tây nguyên vào vụ, xuất khẩu rau quả tăng vọt

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nhu cầu rau quả, nông sản trên thế giới ngày càng gia tăng. Chỉ cần chúng ta làm ăn nghiêm túc, quản lý tốt chất lượng từ ruộng vườn, trang trại tới bàn ăn, đặc biệt là sản xuất xanh theo xu hướng nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải, thì cơ hội thị trường rộng mở...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.