Theo ông Bình, tiếp thu ý kiến các đại biểu QH, dự thảo đã bổ sung khái niệm phổ cập giáo dục; tiếp tục quy định thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiến tới phổ cập bắt buộc giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS. Bên cạnh đó, dự thảo đã bổ sung chính sách miễn học phí đối với người học diện phổ cập ở cơ sở giáo dục công lập, hỗ trợ học phí đối với người học diện phổ cập ở cơ sở giáo dục ngoài công lập, thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng, về việc miễn học phí với người học diện phổ cập thì luật cần quy định rõ một số nguyên tắc, làm rõ mối quan hệ giữa việc phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc, từ đó để thống nhất quy định phổ cập là bắt buộc và căn cứ vào đó để quy định về miễn học phí sẽ thuận lợi hơn.
tin liên quan
Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật Giáo dụcTrong khi đó, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho rằng nếu miễn học phí với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học và THCS thì mỗi năm ngân sách chi bổ sung thêm 4.730 tỉ đồng/năm... “Tuy nhiên, tôi chưa thấy Chính phủ có giải trình cụ thể về việc lấy nguồn chi ở đâu. Nếu lấy từ khoản 20% ngân sách chi cho GD-ĐT thì không hợp lý vì ảnh hưởng tới các hoạt động khác của ngành”, ông Định nói.
Đối với chính sách lương nhà giáo, ông Bình đề nghị UBTVQH cho ý kiến để thể chế hóa quan điểm của Đảng về chính sách lương nhà giáo trong dự luật, bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, có thang, bảng lương riêng tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong giáo dục và trong xã hội.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, việc sắp xếp lịch học vào thứ bảy ở nhiều cơ sở giáo dục phổ thông chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của gia đình người học và giáo viên do ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian chung của gia đình khi đại bộ phận người lao động nghỉ làm việc vào thứ bảy và chủ nhật. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc để không tổ chức dạy học vào thứ bảy ở các cơ sở giáo dục phổ thông.
Liên quan đến thời gian dạy học, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của QH, góp ý về những điều vô lý trong thời điểm khai giảng và ngày bế giảng hiện nay. Đó là việc rất nhiều trường cho học hàng tháng trời rồi mới tổ chức khai giảng. Ngày bế giảng thì do quy định nên có tình trạng học sinh học xong, thi xong hết rồi nhưng vẫn đến trường hàng chục ngày chỉ chơi để chờ ngày… bế giảng. Do vậy, bà Hải đề nghị nên giao quyền chủ động cho các trường, nếu thi xong rồi thì cho kết thúc năm học luôn, tránh tình trạng như vậy.
Bình luận (0)