Đề xuất mức lương tối thiểu theo giờ áp dụng từ ngày 1.7

Thu Hằng
Thu Hằng
21/05/2022 08:32 GMT+7

Ngoài đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7 thêm 6%, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất lương tối thiểu theo giờ từ 15.600 - 22.500 đồng/giờ, nhằm bảo vệ các nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian.

Từ ngày 20.5, Bộ LĐ-TB-XH bắt đầu lấy ý kiến của các bộ, ngành về dự thảo Tờ trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu (LTT) đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất áp dụng mức lương tối thiểu theo giờ đối với lao động làm các công việc có tính chất linh hoạt, không trọn thời gian

THU HẰNG

Theo Bộ LĐ-TB-XH, tại điều 91 bộ luật Lao động quy định, mức LTT được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ; Chính phủ quy định và công bố mức LTT trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Vì vậy, bên cạnh mức LTT tháng, Chính phủ cần có quy định về mức LTT giờ.

Dự thảo đề xuất, từ 1.7, LTT tháng tăng thêm 6%, tương ứng với mức tăng từ 180.000 - 260.000 đồng (mức hiện hành là 3,07 - 4,42 triệu đồng). Cụ thể, vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng.

Đối với LTT theo giờ, lần đầu tiên dự thảo đề xuất áp dụng tương ứng với vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ và vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Nghị định dự kiến áp dụng với lao động được trả lương theo tháng, theo giờ. Với loại hình khác như lương theo tuần, ngày, sản phẩm hoặc lương khoán sẽ do doanh nghiệp lựa chọn quy đổi sang mức lương tháng hoặc giờ, đảm bảo không thấp hơn lương tối thiểu tháng hoặc giờ.

Doanh nghiệp không cần thay đổi hình thức trả lương mà chỉ quy đổi ra mức lương tháng hoặc giờ để đối chiếu, kiểm chứng độ tuân thủ quy định của Chính phủ.

Lý giải về đề xuất mức LTT theo giờ áp dụng từ 1.7, Bộ LĐ-TB-XH cho hay, thông thường, mức LTT vùng được xem xét, điều chỉnh sau 1 năm thực hiện. Tuy nhiên, do từ đầu năm 2020 đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động nên Chính phủ đã duy trì mức LTT vùng quy định tại Nghị định số 90 cho đến nay (trên 2 năm).

Hiện tại, mức LTT vùng này không còn bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Trên thực tế, mức LTT tháng do Chính phủ quy định hiện chủ yếu áp dụng cho người lao động làm những công việc có tính chất ổn định trong khu vực chính thức.

Đối với người lao động làm những công việc có tính chất linh hoạt, làm việc không trọn thời gian cho các hộ gia đình, các cơ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê...) thì việc sử dụng mức LTT tháng làm căn cứ thoả thuận, trả lương theo ngày, giờ, tuần đối với người lao động đang có sự cứng nhắc, thiếu cơ sở áp dụng linh hoạt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Do đó, bên cạnh mức LTT tháng, cần thiết phải quy định mức LTT giờ để mở rộng độ bao phủ và tăng tính bảo vệ của tiền LTT đối với các nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian theo quy định của bộ luật Lao động.

Từ thực tế trên, Bộ LĐ-TB-XH kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành Nghị định điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng và quy định mức lương tối thiểu giờ theo quy định của bộ luật Lao động 2019 để góp phần cải thiện đời sống của người lao động, hỗ trợ tích cực cho việc phục hồi thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sớm phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ là rất cần thiết hiện nay.

Trước đó, ngày 12.4, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất đề xuất tăng LTT vùng thêm 6% từ ngày 1.7.2022. Nếu được thông qua, đây là lần đầu tiên LTT vùng tăng vào giữa năm, thay vì tăng đầu năm như thông lệ.

Ngày 14.4, tám hiệp hội doanh nghiệp có công văn gửi Chính phủ kiến nghị lùi thời điểm tăng lương sang đầu năm sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.