Đề xuất nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT lên 200 - 300 triệu đồng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/08/2024 15:02 GMT+7

Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đề nghị nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 100 triệu lên 200 - 300 triệu đồng và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu này phù hợp từng thời kỳ thay vì giao cho Chính phủ.

Sáng 14.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp chuyên đề để cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Thuế VAT (sửa đổi). Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp 7 hồi tháng 5, dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới.

Đề xuất nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT lên 200 - 300 triệu đồng- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo tại phiên họp

GIA HÂN

Báo cáo một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, quá trình thảo luận, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong luật mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng, không giao Chính phủ quy định. Cũng có ý kiến đề nghị quy định mức ngưỡng doanh thu trong luật và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền điều chỉnh hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể.

Theo ông Mạnh, vấn đề này còn ý kiến khác nhau giữa Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra) và cơ quan soạn thảo. Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng là cần thiết và cần được quy định cụ thể trong luật.

Luật VAT năm 2013 hiện hành đang quy định cụ thể mức doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm). Mức doanh thu 100 triệu đồng/năm nếu được tính theo tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ năm 2013 đến nay thì sẽ là 285 triệu đồng.

Theo số liệu tính toán của Bộ Tài chính, nếu xây dựng mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm thì số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm 620.653 hộ, số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 2.630 tỉ đồng. Nếu mức doanh thu không chịu thuế là 300 triệu đồng/năm thì số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm 734.735 hộ, số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 6.383 tỉ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị quy định cụ thể mức doanh thu hàng năm từ 200 hoặc 300 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Tuy nhiên, theo ông Mạnh, cơ quan soạn thảo lại đề nghị giao Chính phủ quy định mức doanh thu không chịu thuế để bảo đảm tính linh hoạt, chủ động cho Chính phủ.

Bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước không được thất thoát

Đề xuất nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT lên 200 - 300 triệu đồng- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

GIA HÂN

Nêu ý kiến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng nếu quy định mức 200 triệu thì thấp nhưng nếu quy định 300 triệu thì lại cao quá vì theo tính toán thì mức 100 triệu đồng từ 2013 tương đương với hiện nay là 285 triệu đồng. Ông Thanh đề xuất mức "ở giữa" là 250 triệu đồng vì mức này ảnh hưởng đến số thu không quá nhiều, cũng sát mức 285 triệu đồng nói trên.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng tán thành quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng phải quy định cụ thể trong luật. "Bây giờ Chính phủ đề nghị giao cho Chính phủ tôi thấy không hợp lý. Nên chăng giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trong quá trình điều hành có sự thay đổi thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức này phù hợp, hài hòa giữa các quan điểm", ông Thanh nêu.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nghiêng về phương án giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh vì quy định này tương tự như quy định về điều chỉnh giảm trừ gia cảnh trong luật Thuế thu nhập cá nhân.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, cũng cho rằng nên quy định ở mức 200 - 300 triệu đồng và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh chứ không nên không nên "không chế" mức cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ tán thành quy định ngưỡng doanh thu trong luật và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền điều chỉnh phù hợp với từng thời kỳ.

Về ngưỡng cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp đánh giá tác động, lựa chọn phương án sao cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước không được thất thoát.

Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận phân tích, hiện đất nước còn khó khăn, các thành phần kinh tế nhỏ lẻ, hộ kinh doanh chiếm tỷ lệ nhỏ. Do đó, việc nâng mức doanh thu chịu thuế lên 200 - 300 triệu đồng phải hết sức cân nhắc.

Về lý do cơ quan soạn thảo đề xuất giao Chính phủ quy định, ông Cận cho biết, nhằm để linh hoạt trong vấn đề tính toán chỉ tiêu khi điều chỉnh mức doanh thu chịu thuế.

"Muốn giao Chính phủ để khi đề nghị các địa phương tổng hợp lên thì quyết định cho kịp thời. Nếu như để cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết rất tốt thôi, nhưng nếu đưa ra Quốc hội thì lại càng lâu và khó khăn lắm. Tôi nghĩ một là Chính phủ, hai là đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để linh hoạt trong vấn đề quyết định về ngưỡng doanh thu chịu thuế của các hộ kinh doanh", đại diện cơ quan soạn thảo kiến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.