Đề xuất nhiều giải pháp để phong trào sinh viên tình nguyện có giá trị mới

Vũ Thơ
Vũ Thơ
19/12/2023 18:39 GMT+7

Tại buổi thảo luận tổ "Sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng", trong Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để phong trào sinh viên tình nguyện có giá trị mới.

Chiều 19.12, tại Trường đại học Y Hà Nội đã diễn ra phiên thảo luận tổ với chủ đề "Sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng", trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI.

Hoạt động nổi bật nhất của sinh viên

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, anh Lê Công Hùng, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, đề nghị các đại biểu phân tích, thảo luận về chủ đề "Sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng" để đề xuất các giải pháp gia tăng hàm lượng tri thức, chuyển đổi số, sáng tạo gắn với chuyên môn, thế mạnh của sinh viên trong các hoạt động tình nguyện; tăng cường hoạt động tình nguyện thường xuyên, tại chỗ.

Đề xuất nhiều giải pháp để phong trào sinh viên tình nguyện có giá trị mới   - Ảnh 1.

Anh Lê Công Hùng, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam (trái), chủ trì tọa đàm

XUÂN TÙNG

Anh Hùng cũng đề nghị các đại biểu đưa ra giải pháp xây dựng các chương trình, dự án tình nguyện dài hạn, bền vững gắn với nhu cầu thực tiễn địa phương; các giải pháp để phát huy vai trò của tổ chức Hội trong đoàn kết, tập hợp các loại hình tình nguyện tự phát trong sinh viên.

Đồng thời đề xuất giải pháp tăng cường tính kết nối trong việc triển khai các hoạt động tình nguyện thông qua chủ trương "3 liên kết" (liên kết lực lượng, liên kết địa bàn, liên kết cộng đồng); giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội trong các hoạt động tình nguyện; những kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể về cơ chế, chính sách cho sinh viên tình nguyện.

Phát biểu tại chương trình, GS-TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết phong trào tình nguyện là hoạt động nổi bật nhất của sinh viên và tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng. Ông Tú mong muốn sinh viên thảo luận để tìm ra những triết lý mới, hướng đi mới, giá trị mới để tình nguyện ngày càng hiệu quả bền vững và lan tỏa sâu rộng hơn.

Cần chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện

Chia sẻ tại tọa đàm, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Nga (Trường ĐH Hàng hải, Hải Phòng) đánh giá phong trào tình nguyện ngày càng phát triển sâu rộng tạo ấn tượng cho xã hội và môi trường cho tuổi trẻ cống hiến cho đất nước. Qua đó nhiều bạn trẻ trưởng thành. Nga cũng cho rằng chương trình tình nguyện ngày càng sáng tạo và trở thành hoạt động thường xuyên của sinh viên; là cơ hội để sinh viên trải nghiệm, mang sức trẻ đến cộng đồng.

Đề xuất nhiều giải pháp để phong trào sinh viên tình nguyện có giá trị mới   - Ảnh 2.

Các đại biểu tham gia tổ thảo luận về "Sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng"

NGỌC THẮNG

Để phong trào tình nguyện ngày càng phát triển hiệu quả hơn, Nga mong muốn đẩy mạnh truyền thông để các thế hệ sinh viên nhận thấy tình nguyện là mang đến giá trị cho cộng đồng và mang lại hạnh phúc cho chính bản thân mình. Đặc biệt, Nga cho rằng Hội cần đa dạng hóa các phương thức tổ chức để sinh viên được tham gia đạt hiệu quả tối ưu. Trong đó cần áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện để tận dụng ưu thế của sinh viên trong công nghệ.

Bạn Trịnh Anh Hào (Trường ĐH Kinh tế và quản trị kinh doanh, ĐH Thái Nguyên) cho rằng tình nguyện không chỉ là một hoạt động đẹp về mặt tâm hồn mà còn là nền tảng xây dựng nhân cách và trách nhiệm xã hội của sinh viên. Hội sinh viên các cấp cần có sự phối hợp để có sự điều phối và kết nối các nguồn lực tình nguyện, từ đó xây dựng kế hoạch và tổ chức các chương trình, hoạt động tình nguyện phù hợp, thu hút đông đảo sinh viên tham gia.

Đề xuất nhiều giải pháp để phong trào sinh viên tình nguyện có giá trị mới   - Ảnh 3.

Đại biểu nêu ý kiến tại tổ thảo luận

NGỌC THẮNG

Bạn Hào cũng đề xuất Hội Sinh viên và chính quyền các cấp có sự khen thưởng, động viên kịp thời đối với các tập thể và cá nhân sinh viên có thành tích trong các hoạt động tình nguyện. Bên cạnh đó, các cấp bộ Hội cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng chuyển đổi số trong đổi mới công tác tuyên truyền về phong trào tình nguyện trong sinh viên và điều phối, kết nối các hoạt động và nguồn lực tình nguyện.

Tổ chức nhiều mô hình tình nguyện

Nhiều bạn trẻ mong muốn tổ chức các hoạt động tình nguyện trực tuyến để thuận lợi cho sinh viên tham gia. Bạn Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), cho rằng cần áp dụng công nghệ số trong hoạt động tình nguyện như khuyến khích sinh viên tham gia xây dựng trang web, ứng dụng điện thoại kết nối với nhau.

Đặc biệt, Vân cho biết cần tổ chức các hoạt động, chương trình cải thiện tâm lý cho các bạn trẻ vượt qua áp lực học tập, cuộc sống.

Đề xuất nhiều giải pháp để phong trào sinh viên tình nguyện có giá trị mới   - Ảnh 4.

Bạn Nguyễn Phúc Đức, sinh viên Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên) bị tai nạn khuyết 1 tay nhưng đã 27 lần hiến máu tình nguyện

NGỌC THẮNG

Bạn Nguyễn Thành Đăng Khoa, sinh viên tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện nay tổ chức tình nguyện tự phát diễn ra rất nhiều trong giới trẻ. Tổ chức Hội cần định hướng và quan tâm đến các hoạt động này vì nếu thiếu định hướng có thể bị lợi dụng, và dễ gặp rủi ro. "Hội Sinh viên các cấp quan tâm đến các hoạt động tình nguyện tự phát để các hoạt động tình nguyện mang lại hiệu quả và để lại hình ảnh đẹp nhất trong cộng đồng", Khoa mong muốn.

Bạn Nguyễn Phúc Đức, sinh viên Trường ĐH Khoa học, ĐH Thái Nguyên, thì cho biết hoạt động tình nguyện đã giúp những bạn khuyết tật và yếu thế trong xã hội được thể hiện bản thân. "Hoạt động tình nguyện giúp các bạn chứng minh tuy tàn nhưng không phế. Tổ chức Hội cần tổ chức nhiều mô hình hay, giải pháp hiệu quả để các bạn sinh viên khuyết tật tham gia. Từ đó các bạn có thể hòa đồng hơn, tự tin hơn, hiểu được giá trị bản thân, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng", Đức mong muốn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.