Chờ câu trả lời của Bộ TN-MT
Trước đó, bãi thải tro, xỉ tại Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (H.Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) "nổi tiếng" cả nước bởi ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc xử lý được chủ đầu tư chôn dưới đất.
Để giải quyết vấn đề này, Sở Xây dựng Bình Thuận đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về phương pháp thí điểm san lấp khu vực Hang Cò trong phạm vi quy hoạch bãi xỉ của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân bằng vật liệu tro, xỉ. Dự kiến sẽ sử dụng khoảng 400.000 tấn tro, xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 để thí điểm san lấp khu vực Hang Cò.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời khẳng định việc sử dụng tro, xỉ nhiệt điện là phù hợp chủ trương của Chính phủ, nhằm mục đích tiết kiệm tài nguyên khoáng sản khai thác từ tự nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm diện tích đất làm bãi chứa.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng tro, xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 nếu được phân định là chất thải rắn công nghiệp thông thường (theo QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại) và phù hợp với TCVN 12249:2018 mới có thể sử dụng để san lấp thí điểm khu vực Hang Cò. Ngoài ra, còn phải tuân thủ chỉ dẫn kỹ thuật “Sử dụng tro, xỉ nhiệt điện đốt than vào san lấp” được ban hành kèm theo Quyết định số 216/QĐ-BXD ngày 23.8.2019 của Bộ Xây dựng.
|
Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển tro, xỉ để thí điểm san lấp khu vực Hang Cò cần phải đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường đối với vận chuyển hàng hóa vật liệu xây dựng theo quy định tại luật Bảo vệ môi trường hiện hành và các quy định khác về đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường theo quy định.
Bộ Xây dựng cũng lưu ý về việc dùng tro, xỉ của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 làm vật liệu san lấp khu vực Hang Cò - địa điểm san lấp thí điểm là nơi đã kết thúc khai thác khoáng sản, đề nghị Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 lấy thêm ý kiến hướng dẫn của Bộ TN-MTtheo quy định của pháp luật.
Ô nhiễm môi trường vì tro, xỉ Nhiệt điện Vĩnh Tân
Việc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận gửi văn bản xin Bộ Xây dựng hướng dẫn thí điểm dùng tro, xỉ Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 làm vật liệu san lấp là tìm hướng giải quyết cho vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Vài năm qua, việc lo đầu ra cho tro, xỉ Nhiệt điện Vĩnh Tân luôn là bài toán khó tìm được lời giải.
Giữa tháng 8.2018, trước tình trạng ô nhiễm môi trường từ bãi thải Nhiệt điện Vĩnh Tân, UBND tỉnh Bình Thuận từng phải có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng giám sát chặt việc xử lý chất thải trong quá trình xây dựng, vận hành các nhà máy tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Tại cuộc họp vào cuối 6.2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khi đó đã đánh giá các chủ phát thải còn chậm tiến độ trong việc lập đề án tiêu thụ tro, xỉ.
Trong khi đó, theo Bộ Công thương, khi các nhà máy nhiệt điện ở Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân hoạt động sẽ có gần 4 triệu tấn tro, xỉ phát thải mỗi năm.
Cuối năm 2018, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã dẫn đầu đoàn công tác đến Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân để cùng UBND tỉnh, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho đầu ra của tro, xỉ.
Tại đây, ông Sinh đã thẳng thắn chỉ rõ việc xử lý tro, xỉ nhiệt điện là của các chủ đầu tư, đồng thời chia sẻ lo lắng về vấn đề ô nhiễm môi trường của tỉnh Bình Thuận.
Ông Sinh cho rằng, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đốt than chất lượng rất xấu là lý do lượng tro xỉ phát sinh nhanh. Để giảm tro, xỉ phải có than tốt. Trước mắt, có thể pha trộn than tốt đốt lò để giảm thiểu tro, xỉ.
Trước đó, Thanh Niên cũng từng nhiều lần phản ánh về nguy cơ ô nhiễm môi trường từ bãi thải tro, xỉ của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân dù các nhà máy nhiệt điện liên tục được xây dựng, đưa vào hoạt động, thải ra lượng tro, xỉ lớn.
Thực tế, người dân ở H.Tuy Phong (Bình Thuận) đã phải hứng chịu khói, bụi từ Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, thậm chí phải kiến nghị ra Quốc hội. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cho chất thải Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân vẫn bế tắc. Điển hình là sự trì trệ trong việc đầu tư, xây dựng nhà máy dùng tro, xỉ để làm gạch của Công ty TNHH Mãi Xanh.
Ngoài hướng giải quyết là xin dùng tro, xỉ Nhiệt điện Vĩnh Tân để san lấp khu vực Hang Cò, trước đó, tỉnh Bình Thuận cũng từ đề xuất dùng tro, xỉ Nhiệt điện Vĩnh Tân san lấp khi thi công đường cao tốc.
Bình luận (0)