Cuối tuần qua, tại TP.Cần Thơ, Bộ Công thương, Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT,
Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN tổ
chức hội thảo Chiến lược phát triển hệ thống logistics vùng ĐBSCL.
Đồng bằng sông Cửu Long cần một trung tâm logistics để có thể xuất khẩu trực tiếp ra thế giới - Ảnh: Đ.T |
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, ĐBSCL đóng góp 60% sản lượng thủy sản và hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước nên thành lập trung tâm logistics là rất cần thiết. Đó sẽ là trung tâm dịch vụ hậu cần đa phương tiện trong lưu thông và phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu cho toàn vùng.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển (Portcoast), cho rằng với GDP ĐBSCL hiện nay là 213.000 tỉ đồng thì chỉ cần giảm 1% phục vụ cho chi phí logistics là đã tiết kiệm được hơn 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, xây dựng trung tâm logistics tại ĐBSCL vẫn còn nhiều trở ngại. Trong đó, kết cấu giao thông thủy, bộ chưa đồng bộ, hoạt động trung chuyển giữa các loại hình vận tải chưa thuận lợi, tàu biển lớn chưa thể vào sông Hậu...
Tại hội thảo, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết dự án đầu tư xây dựng luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu sẽ được hoàn thành vào đầu năm 2016. Dự án này cho phép tàu biển có tải trọng 10.000 - 20.000 tấn ra vào cảng Cái Cui (Cần Thơ).
Các địa phương ĐBSCL kỳ vọng, với dự án trên hàng hóa nông thủy sản ở ĐBSCL sẽ xuất khẩu trực tiếp ra thế giới, thay vì phải thông qua các cảng ở TP.HCM (Cát Lái) và Bà Rịa-Vũng Tàu (Cái Mép - Thị Vải) như hiện nay.
Bình luận (0)