Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định dự án luật Đường bộ. Luật này do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo, trên cơ sở tách một phần từ luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Một trong những điểm mới so với quy định hiện hành, được Bộ GTVT đưa vào dự thảo, đó là sự thay đổi về thẩm quyền của lực lượng thanh tra đường bộ, hay còn gọi là thanh tra giao thông.
Đề xuất bỏ thẩm quyền dừng phương tiện
Theo điều 86 luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang có hiệu lực, một trong những quyền hạn của thanh tra giao thông là thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ.
Đặc biệt, trường hợp cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, thanh tra giao thông được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.
Quy định chi tiết hơn, Thông tư 02/2014 của Bộ GTVT nêu rõ 4 trường hợp mà thanh tra giao thông được dừng phương tiện gồm: vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ; vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ; xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường theo quy định; đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ.
Tuy nhiên, theo dự thảo mà Bộ GTVT đang chủ trì soạn thảo, bộ này đề xuất bỏ quy định thẩm quyền dừng xe trên đường bộ của thanh tra giao thông.
Tới đây, thanh tra giao thông sẽ chỉ thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm tĩnh, cụ thể là về kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ tại đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, hệ thống kiểm soát tải trọng xe, dịch vụ hỗ trợ vận tải.
Trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe…, thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý của thanh tra giao thông cơ bản được giữ nguyên.
Vấn đề từng được tranh luận
Lâu nay, thẩm quyền dừng phương tiện của lực lượng thanh tra giao thông vốn nhận được nhiều tranh luận. Người khẳng định cần thiết, nhưng cũng có người cho rằng gây ra sự chồng chéo với lực lượng CSGT.
Với đề xuất của Bộ GTVT, thanh tra giao thông sẽ không còn quyền dừng phương tiện đang lưu thông nữa, lực lượng duy nhất được thực hiện việc này là CSGT.
Song song dự án luật Đường bộ do Bộ GTVT soạn thảo, Bộ Công an cũng đang chủ trì xây dựng dự án luật Trật tự an toàn giao thông, trên cơ sở tách từ phần còn lại của luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Dự thảo luật do Bộ Công an soạn thảo nêu rõ 4 trường hợp CSGT được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát, gồm: khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật; những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm soát trực tiếp mới phát hiện được;
Ngoài ra là trường hợp phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh; có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác.
Bình luận (0)