Bộ GD-ĐT đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT cho học sinh theo Chương trình GDPT 2018
NGỌC DƯƠNG
Tại phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực vào ngày 14.11, Bộ GD-ĐT đã trình bày dự thảo báo cáo về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó kiến nghị, đề xuất với Chính phủ thi tốt nghiệp THPT theo phương án thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn.
Giảm áp lực thi cử
Với phương án này, phóng viên Báo Thanh Niên đã thực hiện khảo sát "bỏ túi" với 10 giáo viên THPT tại TP.HCM thì những giáo viên này đồng quan điểm và ủng hộ phương án học sinh thi tốt nghiệp THPT với số môn ít nhất trong các phương án mà Bộ đưa ra khảo sát. Tức các giáo viên trên đều lựa chọn phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn.
Giáo viên Lâm Vũ Công Chính, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho rằng phương án Bộ đề xuất với Chính phủ là phù hợp với định hướng Chương trình GDPT 2018 và nguyện vọng của học sinh. Việc thi 4 môn sẽ giúp giảm tải và giảm áp lực cho học sinh cũng như xã hội.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi THị Xuân (Q.1), bày tỏ quan điểm ủng hộ với phương án đề xuất của Bộ. Việc thi ít môn sẽ vừa giảm áp lực cho học sinh vừa giảm gánh nặng áp lực kinh tế so với việc tổ chức kỳ thi nhiều môn và kéo dài thời gian.
Đồng thời vị hiệu trưởng này cũng tán thành việc 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn: Ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Bởi việc được lựa chọn 2 môn tự chọn sẽ giúp học sinh thể hiện sở trường năng lực của mình một cách tốt nhất trong kỳ thi. Đó cũng là cách để các em giảm áp lực trong thi cử.
Học sinh nói gì về thi tốt nghiệp THPT có 4 môn?
Nhóm học sinh lớp 11, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) bày tỏ quan điểm, việc thi 4 môn là phù hợp với mong muốn của số đông học sinh. Bởi nếu phải học và thi những môn không nằm trong tổ hợp xét tuyển ĐH, định hướng nghề nghiệp sẽ khiến học sinh nặng nề hơn.
Còn giáo viên Lê Minh Huy, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11), cũng cho hay chọn phương án 4 môn như đề xuất của Bộ có ưu điểm là giảm áp lực thi cử cho học sinh.
Bên cạnh đó, giáo viên này cho rằng cũng có những bất cập có thể xảy ra tình trạng học lệch. Chẳng hạn học sinh sẽ đầu tư vào học những môn đã lựa chọn thi mà lơ là những môn học khác.
Ngoại ngữ là môn thi tự chọn có tác động đến việc học môn này?
Trước lo lắng về việc môn ngoại ngữ trở thành môn tự chọn sẽ tác động đến định hướng giáo dục công dân toàn cầu, quá trình phát triển năng lực trong chuyển đổi số hiện đại…, ông Phú nói rằng, đã đến lúc chúng ta phải nghĩ rằng ngoại ngữ là kỹ năng, hành trang hiển nhiên học sinh phải chuẩn bị, chứ không nên nghĩ rằng có thi mới có học.
Tuy vậy ông Phú cũng đề xuất, Bộ có thể tính toán đến việc khuyến khích cộng điểm với những thí sinh tuy không chọn môn ngoại ngữ nhưng có kết quả cao ở các chứng chỉ quốc tế có giá trị, uy tín trên toàn cầu. Như vậy có thể khích lệ học sinh trang bị kỹ năng ngoại ngữ tốt hơn.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, với phương án thi tốt nghiệp THPT có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, thí sinh sẽ có 36 cách thức để lựa chọn. Vì vậy, giáo viên Lâm Vũ Công Chính đề nghị Bộ sớm công bố cụ thể 36 cách lựa chọn và những tổ hợp lựa chọn như vậy sẽ đáp ứng cho mục đích xét tuyển ĐH, định hướng nghề nghiệp ra sao.
Bình luận (3)
Ủng hộ phương án thi tốt nghiệp thpt năm 2025 thì 4 môn trong đó 2 môn văn và toán là bắt buộc còn các môn học khác để người học tự chọn. Đây là phương án thi công bằng nhất và ưu điểm nổi bật nhất của bộ giáo dục đưa ra. Hàng năm bộ cũng không phải chờ đến đầu học kỳ 2 mới công bố môn thi nữa mà các chuyên ngành của bộ đều phải luôn luôn có ngân hàng đề thi
Bao giờ mới hết tuyển sinh ngành sư phạm xét học bạ học sinh giỏi. Tôi thấy trước đây nhiều sv chỉ đạt học bạ loại khá nhưng ra trường vẫn đạt gv giỏi các cấp còn sv đạt học bạ giỏi vào học ngành sư phạm chưa chắc giỏi chứ đừng nói ra trường đạt gv giỏi các cấp. Nên thay đổi để các em được phát triển toàn diện như chủ trương của ngành giáo dục, nếu xét học bạ giỏi thì một là dễ xảy ra chạy học bạ đẹp, hai là các e suốt ngày chỉ học kĩ năng mềm khi ra trường không có dẫn đến tư duy, niềm tin trong cuộc sống kém dẽ sốc nổi, dễ stress khi gặp vấn đề . Mong sớm được thay đổi để các em hs được học, được vui chơi, không bỏ qua kĩ năng mềm trong cuộc sống vì thực tế học xong đh sư phạm vẫn thất nghiệp đấy thôi
Quyết định thi tốt nghiệp thpt năm học 2024-2025 thi 4 môn trong đó 2 môn bắt buộc là môn văn và môn toán còn 2 môn tự chọn là đúng đắn nhất khoa học nhất các môn học ngoài toán và môn văn ra các môn còn lại là do người học tự chọn vừa công bằng vừa giảm áp lực vừa đỡ tốn kém tiền bạc của nhà nước và của nhân dân. Như vậy là không có coi trọng môn này nhẹ môn kia. Đừng lý giải về môn học ngoại ngữ là do công dân toàn cầu làm gì. Việc hội nhập quốc tế đương nhiên là người làm việc ở lĩnh vực nào là người đó sẽ tự thân vận động rồi không phải lo xa làm gì mà thêm rối rắm. Hơn nữa việc trang bị đội ngũ thầy cô giáo để dạy ngoại ngữ trong các nhà trường phổ thông của ta còn chưa chuẩn về các kỷ năng kiến thức từ nghe, nói, viết và giao tiếp...cộng với các trang thiết bị để người dạy và người học cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thì làm sao mà người học lại tiếp thu kiến thức tốt lên được. Bởi từ việc thiếu nguồn cung về người dạy trong các nhà trường thời gian qua mà ngành giáo dục phải tuyển đội ngũ giáo viên dạy môn ngoại ngữ cũng chưa đáp ứng được nhu cầu về kiến thức kỹ năng ngoại ngữ đặc biệt là các giáo trình sách giáo khoa học môn ngoại ngữ chúng ta cũng chưa tự biên soạn được nên học sinh học ngoại ngữ như cưỡi ngựa xem hoa..... Vậy nên việc đưa môn học ngoại ngữ vào thi tốt nghiệp thpt phổ thông bắt buộc là điều phi lý. Như bài viết trên bộ nên khuyến khích về môn ngoại ngữ là có bằng chứng chỉ được ưu tiên để khuyến khích người học và để các em học sinh tự chọn là đúng đắn nhất và ưu việt