Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Tranh luận số môn bắt buộc

Bích Thanh
Bích Thanh
13/09/2023 20:53 GMT+7

Giáo viên và học sinh đã tranh luận và đưa ra ý kiến về hai phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do Bộ GD-ĐT đưa ra để lấy ý kiến, trong đó có môn lịch sử bắt buộc hoặc tự chọn.

Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Tranh luận số môn bắt buộc  - Ảnh 1.

Học sinh lớp 11 năm nay sẽ là lứa thí sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT đổi mới

NGỌC DƯƠNG

Lịch sử nên là môn thi bắt buộc hay tự chọn?

Chính phủ vừa yêu cầu Bộ GD-ĐT sớm nghiên cứu, công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận xã hội. Bộ GD-ĐT trước đó đã đưa ra 2 phương án để khảo sát ý kiến: 

  • Phương án 1: 6 môn thi gồm 4 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, lịch sử, ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn (trong số các môn học sinh chọn học ở lớp 12). 
  • Phương án 2: 5 môn gồm 3 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học (bao gồm lịch sử). Học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên không thi môn ngoại ngữ.

Các nhà quản lý, giáo viên và học sinh trường THPT đã bày tỏ quan điểm trái chiều về hai phương án này.

Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3,TP.HCM), bày tỏ: "Tôi ủng hộ phương án 1 bởi lẽ lịch sử là môn học bắt buộc như toán, ngữ văn, ngoại ngữ". Thầy Đăng Du đồng thời đề xuất Bộ GD-ĐT nên công khai kết quả khảo sát ý kiến một cách minh bạch để khi chính thức đưa ra phương án thi tốt nghiệp THPT thì "ai cũng tâm phục khẩu phục".

Trong khi đó, thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), bảo lưu quan điểm về lựa chọn phương án 2 (5 môn, trong đó lịch sử là môn tự chọn). Thạc sĩ Phú lưu ý, nếu có nhiều môn thi hơn khiến cho việc tổ chức thi tốn thêm nhiều kinh phí. Theo ông Phú, không nhất thiết lịch sử là môn bắt buộc thì học sinh phải thi THPT môn này.

Bên cạnh đó, ông Phú cho rằng, học sinh sẽ thoải mái hơn với phương án 2 vì các em có thể chủ động, linh hoạt trong việc lựa chọn môn thi theo định hướng nghề nghiệp, phát huy năng lực, tư duy cá nhân.

Bắt buộc học lịch sử thì có phải bắt buộc thi tốt nghiệp THPT? - Ảnh 2.

Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM). Đây là lứa thí sinh thứ 2 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018

BÍCH THANH

Học sinh chọn phương án nào?

Một hiệu phó trường THPT tại huyện Cần Giờ cho biết: "Ban giám hiệu đã tiến hành thăm dò ý kiến học sinh và giáo viên toàn trường về phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025. Đương nhiên, điều dễ hiểu là học sinh chọn phương án 2 (5 môn và lịch sử là môn tự chọn)". 

"Gần như 100% giáo viên cũng chọn phương án 2. Dù lịch sử là môn bắt buộc nhưng nên để học sinh tự chọn vì phụ thuộc vào nguyện vọng, định hướng nghề nghiệp tương lai của các em", hiệu phó này nói.

Còn Nguyễn Lê Song Thương (lớp 11 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM), cho rằng, ngoại trừ những học sinh thật sự đam mê lịch sử và định hướng nghề nghiệp liên quan môn này thì hầu hết các bạn học sử để đối phó. 

"Nếu lịch sử là môn thi bắt buộc thì em nghĩ rằng hầu hết học sinh chỉ học thuộc lòng để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này chỉ tạo thêm áp lực cho học sinh. Vì thế, phương án 2 là lựa chọn phù hợp", Song Thương chia sẻ.

.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.