Chiều 13.9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức buổi giám sát việc thực hiện luật Việc làm trên địa bàn TP.HCM từ ngày 1.1.2020 - 30.6.2024. Tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Phó trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nêu lên vướng mắc trong công tác tư vấn và hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp.
Theo đó, số lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo cho nhóm đối tượng thất nghiệp còn rất hạn chế. Quá trình quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề cũng đang gặp nhiều trở ngại, làm cho các trường nghề chưa nhiệt tình trong việc đào tạo nhóm đối tượng này.
Hiện chế độ hỗ trợ chỉ tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu học nghề cơ bản, nhưng chưa có các giải pháp hỗ trợ người lao động nâng cao kỹ năng nghề hoặc phát triển thêm chuyên môn. Mức hỗ trợ chỉ bao gồm học phí mà không có các khoản trợ cấp khác như chi phí ăn ở, sinh hoạt hoặc đi lại. Điều này buộc người lao động phải tự trang trải các chi phí phát sinh trong quá trình học nghề.
Hơn nữa, mức hỗ trợ tối đa hiện tại là 1,5 triệu đồng/tháng trong thời gian ngắn (tối đa 6 tháng), chưa đủ để người lao động theo đuổi các ngành nghề có trình độ trung cấp trở lên hoặc các nghề có chất lượng và tính thu hút cao.
Vấn đề chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề cũng được ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM, đề cập tới. Qua đó, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM và Liên đoàn Lao động TP.HCM cùng kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH, Chính phủ rằng để công tác đào tạo nghề cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đạt hiệu quả, cần điều chỉnh chính sách hỗ trợ học nghề.
Cụ thể, ngoài việc tăng mức hỗ trợ học nghề và kéo dài thời gian học, cần sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu về lao động trong một ngành nghề hoặc lĩnh vực cụ thể, họ sẽ trực tiếp mở các lớp đào tạo cho người lao động. Kinh phí đào tạo sẽ do cơ quan BHXH trích từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả cho doanh nghiệp.
Sau khi hoàn tất khóa học, doanh nghiệp sẽ tuyển dụng những lao động đã được đào tạo vào làm việc đúng với ngành nghề mà họ đã học. Điều này không chỉ đảm bảo người lao động có việc làm sau đào tạo mà còn thúc đẩy nhận thức của họ về tầm quan trọng của việc học nghề và chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Điều này không chỉ nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội mà còn đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM, cũng cho rằng cần có chính sách chi trả cho doanh nghiệp để đào tạo lại lao động. Đây là một kênh quan trọng, vì các doanh nghiệp hiện tự tổ chức đào tạo lao động theo nhu cầu riêng của mình, nhưng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước. Thực tế, lao động sau khi được các cơ sở đào tạo ra trường vẫn phải được doanh nghiệp đào tạo lại. Vì vậy, cần có phương án hỗ trợ đào tạo, kết hợp nhiều nguồn lực từ Nhà nước và doanh nghiệp.
Bình luận (0)