Đề xuất trồng đồng bộ cây giáng hương trong không gian đi bộ Trịnh Công Sơn

10/03/2023 18:31 GMT+7

UBND Q.Tây Hồ (Hà Nội) đề xuất di chuyển, chặt hạ 40 cây nhãn cùng 15 loại cây xanh khác rồi trồng thay thế bằng cây giáng hương trên không gian đi bộ Trịnh Công Sơn (P.Nhật Tân), nhằm đảm bảo đồng bộ hệ thống cây xanh.

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND TP.Hà Nội về việc phương án di chuyển và trồng thay thế cây xanh tại phố Vũ Tuấn Chiêu (Q.Tây Hồ), thuộc không gian đi bộ Trịnh Công Sơn.

Đề xuất trồng đồng bộ cây giáng hương trong không gian đi bộ Trịnh Công Sơn - Ảnh 1.

UBND Q.Tây Hồ đề xuất di chuyển, chặt hạ 40 cây nhãn cùng 15 loại cây xanh khác rồi trồng thay thế bằng cây giáng hương

NGUYỄN TRƯỜNG

Trước đó, UBND Q.Tây Hồ đã đề xuất chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan đô thị phố Vũ Tuấn Chiêu. Theo đó, cây xanh ở đây hiện không đồng đều chủng loại, không thuộc chủng loại cây trồng đường phố, gồm 40 cây nhãn cong nghiêng, già cỗi, nổi rễ (đã trồng khoảng 20 - 35 năm); ngoài ra còn các loại cây không thuộc chủng loại cây trồng đô thị như: keo, bàng, chiêu liêu...

Để đảm bảo đồng bộ hệ thống cây xanh, đảm bảo cảnh quan đô thị cho tuyến phố, UBND Q.Tây Hồ đề xuất di chuyển 40 cây nhãn, 8 cây keo, 4 cây chiêu liêu, 2 cây bàng ta đem đi trồng tại vườn ươm; chặt hạ 1 cây dướng. Riêng 20 cây giáng hương (đường kính 20 - 30 cm, cao 8 - 10 m) được tiếp tục giữ lại.

Đề xuất trồng đồng bộ cây giáng hương trong không gian đi bộ Trịnh Công Sơn - Ảnh 2.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, 40 cây nhãn trên phố Vũ Tuấn Chiêu đã già cỗi và không thuộc chủng loại cây trồng trên đường phố

NGUYỄN TRƯỜNG

Ngay sau khi di chuyển, chặt hạ 55 cây xanh nêu trên, UBND Q.Tây Hồ sẽ tổ chức trồng cây giáng hương (đường kính 25 - 30 cm, chiều cao khoảng 8 m) thay thế để đảm bảo đồng bộ, đúng chủng loại cây xanh đô thị và tạo cảnh quan môi trường. Kinh phí thực hiện do Q.Tây Hồ chi trả từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.

Trên cơ sở đề xuất của UBND Q.Tây Hồ và qua kiểm tra thực tế, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, 40 cây nhãn đã già cỗi và không thuộc chủng loại cây trồng trên đường phố; keo, bàng… không thuộc chủng loại cây trồng đô thị.

Trong trường hợp UBND TP.Hà Nội chấp thuận đề xuất của Q.Tây Hồ, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị chính quyền sở tại dịch chuyển hàng cây về trồng cố định tại ô đất thuộc nút giao Vĩnh Ngọc (H.Đông Anh, Hà Nội).

"Q.Tây Hồ có trách nhiệm chăm sóc, bảo hành trong thời gian 2 năm đối với cây trồng thay thế trên tuyến phố Vũ Tuấn Chiêu và tại ô đất thuộc nút giao Vĩnh Ngọc sau đó bàn giao cho đơn vị quản lý duy trì cây xanh theo phân cấp quản lý. Các cây phải được chống gông, đảm bảo không bị gãy, đổ", Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu.

Không gian đi bộ Trịnh Công Sơn ra đời vào tháng 5.2018, nằm giữa đầm sen, Công viên nước Hồ Tây... Nơi đây được kỳ vọng trở thành không gian văn hóa đặc sắc, sân khấu cho nghệ thuật chèo, dân ca... vào mỗi cuối tuần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.