Đề xuất văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân

25/10/2024 19:06 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý theo hướng cho phép thành lập văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển.

Chiều 25.10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Công chứng sửa đổi. Nội dung nhận được nhiều ý kiến là việc có nên cho phép thành lập văn phòng công chứng (VPCC) theo mô hình doanh nghiệp tư nhân hay không?

Đề xuất văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp

ẢNH: GIA HÂN

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án:

Phương án 1 là bên cạnh các VPCC được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như hiện hành thì cho phép thành lập thêm VPCC hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập VPCC hợp danh.

Phương án 2 là quy định như dự thảo Chính phủ trình, tiếp tục quy định VPCC chỉ được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty hợp danh.

Thế nào là địa bàn khó khăn, mật độ dân số thấp?

Cho ý kiến, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) ủng hộ phương án 1 về việc cho phép thành lập VPCC theo mô hình doanh nghiệp tư nhân. Tuy vậy, ông Thông đề nghị làm rõ thế nào là địa bàn có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập VPCC hợp danh…

Để triển khai thống nhất, đại biểu đoàn Bình Thuận đề nghị có thể giao cho Chính phủ hoặc UBND tỉnh quy định chi tiết việc này, tránh tình trạng các VPCC hợp danh đang hoạt động hiện nay tách ra thành VPCC theo mô hình doanh nghiệp tư nhân một cách tràn lan.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng ủng hộ phương án 1. Có ý kiến lo ngại với VPCC theo mô hình doanh nghiệp tư nhân, nếu công chứng viên duy nhất chết hoặc vì lý do cá nhân khác không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng.

Ông Hòa nói, lo ngại trên là có cơ sở, tuy nhiên những sự cố này sẽ ít có khả năng xảy ra, so sánh với lợi ích mà người dân có thể dễ dàng tiếp cận với dịch vụ công chứng hơn thì vẫn nên cho phép thành lập VPCC theo mô hình doanh nghiệp tư nhân; dẫu sao "có còn hơn không", nếu bỏ ngỏ như hiện nay thì không thể thành lập được.

Cùng ủng hộ phương án 1, nhưng đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) bày tỏ băn khoăn về quy định khi đặt tên VPCC thì không được trùng tên với các VPCC đang hoạt động trên phạm vi toàn quốc.

Theo bà Dung, việc này chỉ khả thi khi đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về hệ thống các VPCC trên cả nước. Thông qua xét duyệt hồ sơ, cơ quan quản lý sẽ đối chiếu để phát hiện có bị trùng tên hay không.

Hiện nay cả nước có hơn 1.300 VPCC, có VPCC đặt tên theo công chứng viên, thế nhưng cơ sở dữ liệu quốc gia về VPCC lại chưa có.

Từ thực tiễn này, bà Dung đề nghị cần có quy định chuyển tiếp, nếu đến ngày luật có hiệu lực mà chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về VPCC thì xử lý ra sao?

Đề xuất văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

ẢNH: GIA HÂN

Mở rộng lựa chọn cho công chứng viên

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hiện đang có 2 luồng quan điểm khác nhau về việc có nên cho phép thành lập VPCC theo mô hình doanh nghiệp tư nhân hay không.

Theo đó, một số ý kiến ủng hộ mô hình VPCC tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Số khác thì đề nghị quy định thêm VPCC theo mô hình doanh nghiệp tư nhân, có thể áp dụng đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, công chứng là dịch vụ công cơ bản, nghề bổ trợ tư pháp nên có đặc thù riêng. Do đó, luật Công chứng hiện hành và dự thảo luật đều không quy định về mô hình VPCC là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc có thành viên góp vốn.

Quy định như vậy cũng đồng nghĩa với việc không khuyến khích mục tiêu kinh doanh chỉ để thu lợi nhuận, mà tập trung vào việc hành nghề công chứng của các thành viên hợp danh và chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên này đối với hoạt động công chứng do mình thực hiện.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án như đã đề cập, trong đó đề nghị các đại biểu Quốc hội xem xét, cho phép tiếp thu, chỉnh lý theo phương án 1.

Phương án này có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng, tạo thuận lợi cho việc phát triển VPCC ở địa bàn vùng sâu, vùng xa do mô hình này chỉ yêu cầu 1 công chứng viên làm chủ.

Tuy nhiên, mô hình cũng có hạn chế là khi xảy ra tình huống công chứng viên duy nhất chết hoặc vì lý do cá nhân khác không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng, việc giải quyết hậu quả về hồ sơ, chuyển giao trách nhiệm công chứng… đối với các VPCC theo mô hình doanh nghiệp tư nhân bị giải thể sẽ là vấn đề lớn đặt ra cho công tác quản lý nhà nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.